Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) mang tên "Tương lai việc làm năm 2018", máy móc và các thuật toán máy tính tại nơi làm việc sẽ có thể chiếm 75 triệu việc làm của con người tính tới năm 2022 nhưng đồng thời cũng tạo ra 133 triệu việc làm mới.
Hồi tháng 7 vừa qua, Tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc Alibaba đã làm việc với Quỹ phát triển phụ nữ để triển khai "Sáng kiến A-Idol", mang lại các công việc liên quan tới AI cho người dân tại các vùng kém phát triển của quốc gia này, đặc biệt là người phụ nữ.
Sáng kiến này đã nhận được sự phối hợp của chính quyền các địa phương. Người dân tham gia dự án được cung cấp các khóa huấn luyện miễn phí về dán nhãn và quản lý dữ liệu, những kiến thức cơ bản của máy học (machine learning) và sự phát triển của AI.
Trung tâm thí nghiệm AI của Alibaba cũng cấp chứng chỉ chuyên nghiệp cho những người tham gia sáng kiến với mục tiêu đảm bảo giá trị thị trường cho những kỹ năng mà họ đã được học trong các khóa huấn luyện của A-Idol. Trung tâm thí nghiệm AI của Alibaba cam kết sẽ cung cấp các cơ hội việc làm với tổng trị giá ít nhất 10 triệu NDT/năm để đảm bảo tính bền vững cho dự án A-Idol.
Wang Hongmei, 23 tuổi, một nữ thanh niên tham gia sáng kiến A-Idol, cho biết cô mất khoảng 10 ngày để hoàn thành khóa huấn luyện của Alibaba. Wang kiếm được khoảng 3.000 NDT (425,9 USD)/tháng nhờ công việc với A-Idol, mức thu nhập cao hơn công việc giáo viên mầm non mà cô làm trước khi biết đến A-Idol.
Rất nhiều người trong khu vực Wang sinh sống cũng đã tham gia sáng kiến này và làm việc như những người huấn luyện AI. Nhiều người trong số này từng phải lưu lạc tới các tỉnh ở vùng duyên hải để làm thuê nhưng nay đã có thể yên tâm trở về quê nhà làm việc. Với Wang, công việc mới giúp cô có nhiều kiến thức hơn về máy tính, vượt qua những giới hạn của bản thân và có thêm điều kiện tài chính để chăm sóc gia đình.