Theo quan chức UAE, phần khó nhất của nhiệm vụ là sau khi rời bệ phóng khoảng 27 phút (từ 15h30 GMT đến 15h57 GMT), con tàu phải điều chỉnh tốc độ chậm lại từ 121.000 km/giờ xuống khoảng 18.000 km/giờ để lực hút sao Hỏa có thể kéo nó vào quỹ đạo. Nếu thành công, tàu sẽ truyền tín hiệu về trái đất sau đó khoảng 11 phút (16h08 GMT).
Thủ tướng UAE Sheikh Mohammed bin Rashid Al-Maktoum cho biết: “Chúng tôi trước đó chỉ hoàn thành được 50% nhiệm vụ do tàu không thể thâm nhập vào quỹ đạo sao Hỏa”. Tuy nhiên, ông Sheikh cũng cho rằng ngay cả khi nhiệm vụ lần này không thành công, sự kiện này đã thực sự đi vào lịch sử nghiên cứu khoa học không gian của UAE.
Tàu Hy vọng được thiết kế để thăm dò, đánh giá toàn diện về môi trường sống trên sao Hỏa của UAE với mong muốn tìm kiếm nơi định cư mới cho con người trong khoảng 100 năm trên Hành tinh Đỏ.
Giám đốc Dự án Omran Sharaf chia sẻ: “Dự án này có ý nghĩa rất lớn đối với không chỉ UAE mà còn cả khu vực và giới nghiên cứu khoa học và không gian trên toàn cầu…Ngoài mục tiêu trên, chính phủ thực sự muốn thúc đẩy giới trẻ UAE thay đổi suy nghĩ về ngành khoa học và công nghệ tiên tiến của đất nước".
Vào tháng 7 năm ngoái, UAE, Trung Quốc và Mỹ đều có những kế hoạch khởi động các chương trình thăm dò không gian trên sao Hỏa. Tuy nhiên, không giống như các tàu vũ trụ Thiên Vấn-1 (Tianwen-1) của Trung Quốc và Mars 2020 của Mỹ, tàu Hy vọng của UAE không thực hiện hạ cánh trên sao Hỏa mà chỉ theo dõi khí quyển của Hành tinh Đỏ từ không gian quỹ đạo.
Tàu Hy vọng có thể sẽ trở thành tàu vũ trụ đầu tiên tới được sao Hỏa trong tháng này và dự kiến sẽ truyền dữ liệu thông tin về Trái Đất vào tháng 9 năm nay.