Đây là một phát kiến mới của các nhà khoa học thuộc trường Đại học Binghamton, New York.
Dẫn kết quả nghiên cứu mới này từ tạp chí "Báo cáo Khoa học", hãng thông tấn nhà nước Italy ANSA cho biết các tấm màng ADN trong suốt sẽ có chức năng như một "tấm khiên", hấp thụ hoàn toàn các tia cực tím UV và bảo vệ làn da con người hiệu quả hơn gấp nhiều lần kem chống nắng; đồng thời, giữ nước cho da khi phơi dưới nắng trong nhiều giờ.
Trưởng nhóm nghiên cứu Guy German cho biết "Các tia cực tím có thể gây tổn thương đến các chuỗi ADN của con người, phá hủy làn da. Chính vì vậy, chúng tôi đã nghĩ đến phương án đảo ngược cơ chế này để tìm cách bảo vệ làn da. Việc đặt một lớp màng ADN nhân tạo lên bề mặt da sẽ giúp bảo vệ các chuỗi ADN trong cơ thể con người."
Các thử nghiệm cho thấy lớp màng ADN nhân tạo đã phát huy hiệu quả tối ưu trong việc hấp thụ các tia gây hại dưới nắng trong suốt một thời gian dài. Đối việc việc giữ ẩm cho da, tấm màng ADN sẽ làm chậm quá trình bay hơi nước trên bề mặt da dưới nắng.
Màng ADN nhân tạo dự kiến được ứng dụng trong lĩnh vực y tế trong tương lai. Việc đắp các màng ADN lên các vết thương hở vừa có thể ngăn chặn nguy cơ nhiễm trùng từ môi trường, vừa thúc đẩy quá trình liền sẹo.