Theo đó, các sản phẩm, bộ sản phẩm nước mắm truyền thống Phú Quốc 18, 30, 35, 40 và 43 độ đạm của các doanh nghiệp Khải Hoàn, Kim Hoa, Hồng Đức, Quốc Vị, Đại Đức, Phú Hà, Hải Nguyên, Hồng Hoa, Mỹ Hảo. Các sản phẩm nước mắm này, ngoài tính truyền thống có từ lâu đời, thể hiện được tính chất công nghiệp nông thôn tiêu biểu, ứng dụng máy móc, thiết bị, công nghệ vào sản xuất, sản phẩm chất lượng có bao bì, nhãn mác, hình thức bắt mắt đã được mua bán trên thị trường, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng và thị trường chấp nhận.
Bà Hồ Kim Liên - Giám đốc Công ty CP thương mại Khải Hoàn, Chủ tịch Hội sản xuất nước mắm Phú Quốc cho biết, việc công nhận nước mắm truyền thống Phú Quốc là sản phẩm, bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực là sự tôn vinh, ghi nhận những thành tích, sự nỗ lực của các doanh nghiệp, nhà thùng nước mắm trên đảo Phú Quốc trong quá trình sản xuất, phát triển sản phẩm.
Qua đó, mở ra những cơ hội phát triển mới, khẳng định uy tín, chất lượng, giá trị thương hiệu và tạo chỗ đứng trên thị trường cho các cơ sở sản xuất; tăng độ nhận diện thương hiệu nước mắm Phú Quốc cũng như uy tín khi đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng, đặc biệt là mở ra cơ hội xuất khẩu nước mắm Phú Quốc, góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển. Cùng đó, tạo việc làm cho người lao động tại địa phương.
Nghề sản xuất nước mắm truyền thống Phú Quốc có lịch sử hơn 200 năm và đã được Liên minh Châu Âu (EU) cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý, là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ trên thị trường của các nước thuộc EU. Bà Hồ Kim Liên chia sẻ, Khải Hoàn đã trải qua 3 thế hệ với hơn 40 năm gây dựng và phát triển ngành nghề truyền thống này, góp phần cho sản phẩm nước mắm Phú Quốc được vinh danh trở thành di sản của Phú Quốc và của Việt Nam. Quy trình sản xuất nước mắm Phú Quốc mang thương hiệu Khải Hoàn khép kín từ biển cả đến bàn ăn. Nước mắm Khải Hoàn được công nhận bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam 2024 là động lực để công ty nâng cao hơn nữa chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Qua đó, tiếp tục giữ vững danh hiệu ở cấp bình chọn cao hơn trong những năm tiếp theo.
Hội sản xuất nước mắm Phú Quốc hiện có 51 hội viên, với 6.642 thùng ủ chượp, sản lượng sản xuất 15 - 20 triệu lít nước mắm/năm. Nhiều hội viên đăng ký chương trình OCOP từ 3 - 5 sao, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, bao bì mẫu mã đẹp, nhằm tôn vinh đặc sản vùng miền, góp phần quảng bá văn hóa bản địa và phát triển kinh tế - xã hội thành phố Phú Quốc.
Tuy nhiên, theo Hội sản xuất nước mắm Phú Quốc, hoạt động sản xuất nước mắm ở Phú Quốc đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế, bất cập cần những giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để tháo gỡ và phát triển trong thời gian tới. Cụ thể là sản phẩm đầu ra giảm nhiều nên một số hội viên gặp nhiều khó khăn về kinh tế dẫn đến ngưng hoạt động.
Tiếp đến, nguồn nguyên liệu cá cơm cho sản xuất nước mắm những tháng đầu năm 2024 cũng như trong năm 2023 tiếp tục giảm khoảng 40 - 50% so với năm 2022. Mặt khác, tâm lý của hội viên đa số sợ nguy cơ năm sau không bán được nước mắm nên không nhập cá để ủ chượp sản xuất nước mắm dẫn đến hệ lụy cả năm 2024 và những năm tiếp theo sản lượng nước mắm sẽ tiếp tục sụt giảm. Cùng đó, giá thành sản phẩm nước mắm bán ra không còn phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh như hiện nay; việc quảng bá cho nước mắm Phú Quốc còn hạn chế; cạnh tranh của nhiều sản phẩm nước chấm, nước mắm khác…
Chủ tịch Hội sản xuất nước mắm Phú Quốc Hồ Kim Liên nhấn mạnh, muốn nghề làm nước mắm được tồn tại và phát triển bền vững, xứng tầm với một di sản Quốc gia đã được Nhà nước công nhận và phát huy văn hóa bản địa, góp phần phát triển kinh tế địa phương thì phải có giải pháp đồng bộ từ chính quyền với Hội trong việc quảng bá, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước thì nghề nước mắm truyền thống Phú Quốc mới được phát triển bền vững, hiệu quả.
Hội sản xuất nước mắm Phú Quốc tiếp tục phối hợp cùng cơ quan chuyên môn hướng dẫn hội viên doanh nghiệp thực hiện quy trình sản xuất, hồ sơ thủ tục công bố sản phẩm theo đúng quy định của tỉnh về quy chuẩn kỹ thuật cho nước mắm Phú Quốc. Đồng thời, tuyên truyền, nhắc nhở, giám sát việc thực hiện khai thác cá cơm không vi phạm khai thác IUU đối với các doanh nghiệp có tàu đánh bắt cá cơm, để nguồn lợi thủy sản này tái tạo phát triển trên ngư trường, đảm bảo cung cấp nguyên liệu sạch, chất lượng cho sản xuất nước mắm Phú Quốc.
Cùng đó, Phú Quốc duy trì bảng hiệu quảng cáo nước mắm tại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc; thiết kế, in ấn tờ quảng cáo, làm video lip về lịch sử hình thành và phát triển, quy trình sản xuất nước mắm Phú Quốc để quảng bá, giới thiệu với khách du lịch cũng như tại các hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại trong, ngoài nước và khi tiếp các đoàn khách quốc tế đến tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm tại đảo ngọc Phú Quốc.
Ngoài ra, Hội sản xuất nước mắm Phú Quốc tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, kết nối cung cầu, tạo điều kiện, hỗ trợ các hội viên tham gia giao thương, tìm kiếm đối tác, hợp tác, liên kết phát triển sản xuất, nhất là đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sản phẩm, tìm đối tác tiêu thụ nước mắm mang tính chất bền vững; điều chỉnh giá bán nước mắm phù hợp thị trường, nhằm đảm bảo tái sản xuất…