Khai thác bền vững lợi thế biển đảo Nghi Sơn-Bài cuối: Để Cảng cá Lạch Bạng là 'Bến đỗ bình yên'

Kể từ khi đi vào hoạt động (tháng 1/2004), Cảng cá Lạch Bạng, huyện Tĩnh Gia - nay là thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) trở thành điểm trung chuyển thiết yếu các loại thủy - hải sản của ngư dân và thương lái trong khu vực miền Trung.

Gần 80% dân số quanh vùng sống bằng nghề đánh bắt, buôn bán hoặc chế biến hải sản… Khoảng hơn 300 chiếc thuyền đánh bắt xa bờ và rất nhiều thuyền thúng đánh bắt ven bờ. Cảng cá Lạch Bạng đã tạo việc làm cho hàng nghìn người dân địa phương ổn định cuộc sống. Thực tế, công tác quản lý Cảng cá đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Do vậy, cảng cá này chưa thực sự trở thành “Bến đỗ bình yên” của ngư dân sau những chuyến ra khơi bám biển dài ngày, đặc biệt là vào mùa mưa bão.

Chú thích ảnh
Tàu của ngư dân neo đậu tại Cảng cá Lạch Bạng. Ảnh tư liệu: Quang Quyết/TTXVN


Quá tải cả về mọi mặt

Cảng cá và Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Lạch Bạng - đảo Mê được xây dựng hai giai đoạn, là Dự án thuộc Chương trình Biển đông tuyến đảo, kinh tế, an ninh, quốc phòng, quân dân kết hợp. Giai đoạn 1 phía phường Hải Thanh, khởi công xây dựng tháng 11/1998 và đưa vào hoạt động tháng 1/2004. Hiện có 10 doanh nghiệp thuê đất trong khu vực Cảng quản lý.

Giai đoạn 2 của Dự án phía phường Hải Bình quy mô cấp vùng loại 1 thuộc Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng cá Lạch Bạng, khởi công tháng 8/2009, đưa vào sử dụng tháng 1/2013, hiện có 14 doanh nghiệp thuê đất. Khu tránh trú bão cho tàu cá thuộc Dự án đầu tư xây dựng Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá Lạch Bạng, đưa vào sử dụng tháng 1/2013 có diện tích gần 100ha.

Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Lạch Bạng Đinh Tiến Hưng cho biết: Thời gian qua, Ban Quản lý luôn tạo điều kiện cho tàu thuyền, phương tiện vận tải ra vào cảng xuất nhập hàng hóa và tránh trú bão an toàn. Đồng thời, Ban Quản lý phối hợp với chính quyền hai xã Hải Thanh và Hải Bình, Đồn Biên phòng 126 thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống thiên tai...

Tuy vậy, công tác quản lý cảng cá đang vấp phải nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân trước hết là do tình trạng khai thác quá tải, gây không ít khó khăn cho công tác quản lý điều hành và vệ sinh môi trường của cảng. Cụ thể: Cảng cá Lạch Bạng (phía phường Hải Thanh) đầu tư xây dựng giai đoạn I, bến đậu tàu chỉ dài 90m và sử dụng hơn 15 năm mà chưa hề được duy tu, bảo trì. Tàu thuyền ra vào cảng không đủ chỗ neo đậu để xuất, nhập hàng nên dẫn đến tình trạng tranh giành nhau cập bến, gây tốn nhiều thời gian và công lao động trong công tác điều độ, làm mất an ninh trật tự.

Cảng cá phía Hải Bình theo thiết kế chiều dài cầu cảng 400m, đáp ứng được  tàu có công suất 400CV cập cảng, năng lực bốc dỡ hàng thủy sản lên tới 170 tấn/ngày.Tuy nhiên, ngay sau khi đưa vào quản lý khai thác, Cảng đã quá tải, bởi phải tiếp nhận cả tàu có công suất từ 800-1.000CV, lượng hàng bốc dỡ qua cảng từ 800 tấn đến 1.200 tấn/ngày (vượt 800%), thậm chí có ngày lên tới 1.500 tấn.

Hơn nữa, luồng ra vào cửa Lạch Bạng thường xuyên bị bồi lắng, do sự hiện hữu của dải đá ngầm trên sông gây khó khăn cho tàu, thuyền ra vào cảng. Bên cạnh đó, việc xây dựng tự phát bến cá, xưởng sửa chữa tàu thuyền nhỏ, lẻ ở xã Hải Bình. Cùng với các cầu cảng gỗ của doanh nghiệp thuộc phường Hải Thanh, hộ kinh doanh xây dựng lấn ra dọc bờ sông ngăn cản dòng chảy, tạo sự bồi lắng. Chưa kể nhiều tàu, thuyền neo đậu lộn xộn trên sông cản trở tàu thuyền ra vào, gây mất an toàn giao thông đường thủy nội địa. Các tàu, thuyền thuộc địa phương hai phường Hải Thanh và Hải Bình theo tập quán thường đậu tại bến sông, phía trên là nhà ở, cùng với thói quen thải đổ đất, đá, rác thải trực tiếp dọc hai bên cửa sông. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến luồng chạy tàu ra vào cảng bị hẹp lại và cạn dần theo thời gian.

Ban Quản lý đã có nội quy và bố trí thùng dựng rác, nơi bỏ rác theo quy định, nhưng vi phạm vệ sinh môi trường tại khu vực cảng có chiều hướng gia tăng. Các chủ tàu và thuyền viên, người lao động vẫn ngang nhiên xả nước thải, vứt rác sinh hoạt, đồ nhựa, túi ni lông xuống vùng nước đậu tàu… Một nguyên nhân nữa là sự phối hợp kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra chuyên ngành về môi trường ở địa phương còn thiếu và yếu...

Hơn nữa, việc phát triển đội tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần chưa phù hợp với điều kiện tự nhiên, phong tục, tập quán nghề nghiệp, sinh kế của cộng đồng ngư dân Hải Thanh và Hải Bình. Trong khi đó, cửa biển vào Cảng cá Lạch Bạng lại rất hẹp, song phải gắn với quy hoạch cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá với an ninh quốc phòng biển đảo, bảo vệ môi trường hệ sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu…nên quá tải cả về không gian diện tích sử dụng cho đến điều kiện bảo đảm môi trường.

Lấn chiếm tràn lan

Theo ông Đinh Tiến Hưng, kinh phí cấp cho công tác quản lý luồng lạch và quản lý cảng cá trong những năm qua còn hạn chế. Đặc biệt là kinh phí duy trì, duy tu, bảo dưỡng, nạo vét luồng và khu vực neo đậu tàu trong cảng không bổ sung chi thường xuyên dẫn đến tình trạng luồng lạch bị bồi lắng lâu ngày thành cạn kiệt, tàu thuyền ra vào mắc cạn, đắm chìm ảnh hưởng tài sản, tính mạng của ngư dân. Việc dừng thi công một số hạng mục công trình và hạ tầng khu neo đậu tránh trú bão như đường giao thông quanh âu tàu, hệ thống điện chiếu sáng, nhà điều hành...gây không ít khó khăn cho công tác quản lý, vận hành.

Đặc biệt, tình trạng lấn chiếm khu neo đậu để làm nhà, sân phơi chế biến thủy sản…nhiều năm qua xảy ra nhưng chưa có biện pháp mạnh ngăn chặn, làm hẹp khu vực neo đậu tàu thuyền khi vào tránh trú bão, gây hư hại tài sản hạ tầng trong cảng.

Về nạn lấn chiếm luồng vào Cảng cá Lạnh Bạng, Chủ tịch UBND phường Hải Bình Trần Văn Sơn cho rằng: Thời gian gần đây, tình trạng lấn chiếm phạm vi hành lang bảo vệ công trình cảng cá, đê chắn sóng, đê bao quanh cảng đã và đang xảy ra. Diễn ra phổ biến nhất là phía Bắc cổng số 3 của Cảng cá giáp sông Bạng và phía Nam giáp khu dân cư Liên Đình và Tiền Phong, phường Hải Bình. Riêng khu dân cư Thanh Đình phường Hải Thanh và Khu neo đậu tránh trú bão, 22 trường hợp san lấp sông Bạng trái phép để xây dựng các công trình.

Hơn nữa, việc mở cổng ra vào của các doanh nghiệp không theo quy hoạch; phê duyệt lại quy hoạch cũng không đúng thẩm quyền; xây dựng các công trình dở dang do cơ quan quyết định đầu tư phê duyệt là Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu Công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, đã làm ảnh hưởng đến quy hoạch, công tác bảo vệ hành lang và quản lý khai thác công trình hạ tầng Cảng cá này.

Hầu hết các cơ sở hoạt động sản xuất, dịch vụ, kinh doanh vẫn chưa có Giấy phép xây dựng, chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường và Bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định.

Việc khắc phục vẫn nan giải

Nói về giải quyết ô nhiễm môi trường Cảng cá Lạch Bạng, ông Đinh Tiến Hưng rất trăn trở và tâm huyết khi trình bày các giải pháp khả thi về xây dựng và thực hiện quy trình thu gom, xử lý rác thải, nước thải... Song quy trình ra sao? Kinh phí thế nào? Bao giờ hoàn thành? ông không lý giải được. Bởi cuối năm nay, ông đã đủ tuổi về hưu!

Riêng về giải pháp ngăn chặn lấn chiếm, ông Hưng cho biết thời gian tới, Ban Quản lý Cảng cá Lạch Bạng sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu Công nghiệp và các cơ quan chức năng, tổ chức kiểm tra, rà soát, kiên quyết xử lý các hộ dân lấn chiếm đất đai, xây dựng các công trình trái phép trong khu vực Cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão. Nhiệm vụ thanh tra kiểm soát tại Cảng cá được đẩy mạnh hơn

Về công tác điều độ sắp xếp tàu thuyền ra vào neo đậu, bốc dỡ hàng hóa, Ban Quản lý sẽ thực hiện kế hoạch phân khu cầu tàu thành các khu chức năng riêng biệt (khu bốc dỡ sản phẩm thủy sản; khu tiếp nhiên liệu và nhu yếu phẩm; đặt các biển hướng dẫn tại khu vực cầu Cảng; bố trí lực lượng hướng dẫn tàu thuyền ra vào, bốc dỡ sản phẩm, tiếp nhiên liệu và nhu yếu phẩm...).

Ban Quản lý kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa bố trí, cân đối nguồn kinh phí cho công tác quản lý, duy tu các hạng mục công trình, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó sự cố tràn dầu đã được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chỉ đạo các cơ quan đơn vị trực thuộc, tăng cường công tác phối hợp với Ban Quản lý Cảng cá (nòng cốt là lực lượng thanh tra chuyên ngành...) trong công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động tại cảng, xử phạt vi phạm hành chính và hỗ trợ xử lý không cho vào cảng đối với các tổ chức cá nhân hoạt động trong cảng; tàu, thuyền, phương tiện vận tải không chấp hành nội quy của Ban Quản lý cảng; quy chế của UBND tỉnh và các quy định của pháp luật khác có liên quan. Đồng thời, Sở tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Tổ công tác liên ngành thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá.

Tuy vậy, những giải pháp nêu trên vẫn trong thì tương lai. Hiện tại Cảng cá Lạch Bạng vẫn phải gồng mình lên vì quá tải lượng tàu thuyền, lượng hàng hóa vào ra, môi trường ô nhiễm nặng nề và nạn lấn chiếm đất, bóp nghẹt dòng chảy thuộc khu vực Cảng cá quản lý. Việc khắc phục tận gốc tình trạng này đòi hỏi UBND thị xã Nghi Sơn, UBND tỉnh Thanh Hóa phải triển khai các giải pháp đồng bộ mới khắc phục được tận gốc, để Cảng cá Lạch Bạng sớm trở thành “Bến đỗ bình yên của ngư dân".

Diệu Thúy (TTXVN)
Khai thác bền vững lợi thế biển đảo Nghi Sơn - Bài 2: Hình thành chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ hải sản
Khai thác bền vững lợi thế biển đảo Nghi Sơn - Bài 2: Hình thành chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ hải sản

Phường Hải Bình là địa phương đi đầu thực hiện Chương trình phát triển kinh tế biển của thị xã Nghi Sơn. Đặc biệt, nơi đây đã và đang tập trung hình thành chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ hải sản mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN