Thời gian qua, ở vịnh Cam Ranh, nạn khai thác thủy sản bằng các nghề đã bị cấm như giã cào, cào sò... lại tái diễn. Nguyên nhân là do các nghề này đầu tư thấp nhưng cho thu nhập khá cao, bình quân mỗi tàu thu từ 2 - 4 triệu đồng mỗi đêm khai thác. Ngư dân thường dùng tàu cá công suất dưới 20CV cào sò vào ban đêm. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, các đối tượng khai thác sò trái phép thường bỏ chạy hoặc đánh đắm phương tiện.
Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, đến đầu tháng 9/2017, đơn vị đã xử lý 52 phương tiện, tịch thu và tiêu hủy 46 lồng cào sò trái phép ở vịnh Cam Ranh.
Tương tự nghề giã cào, cào sò trên đầm Nha Phu, vịnh Vân Phong cũng diễn ra phức tạp, làm suy giảm nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng đến môi trường biển. Lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý hàng chục phương tiện khai thác thủy sản bằng các nghề đã bị cấm.
Năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 05/QĐ-UBND về việc, quản lý hoạt động khai thác thủy sản. Trong đó, tỉnh nghiêm cấm các hành vi khai thác thủy sản bằng chất nổ, xung điện, chất độc; cấm tất cả các nghề giã cào, cào sò khai thác thủy sản tại các vịnh Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh và hai đầm Nha Phu, Thủy Triều.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa cũng vừa yêu cầu các đơn vị, tăng cường tuần tra trên biển nhằm ngăn chặn khai thác thủy sản trong khu vực cấm, các nghề cấm; phân công tàu tuần tra túc trực ở vùng biển thường xuyên có nghề giã cào, cào sò; hướng dẫn ngư dân thay đổi phương thức khai thác từ giã cào sang lặn bắt sò…
Ngành thủy sản Khánh Hòa cũng có chủ trương phân cấp quản lý tàu cá công suất dưới 20CV cho UBND cấp xã, phường quản lý, thay vì UBND huyện, thị, thành phố quản lý như trước đây. Qua đó, giúp từng địa phương nắm bắt được chính xác số phương tiện, lực lượng lao động để tạo thuận lợi cho việc quản lý các nghề khai thác thủy sản ở vùng ven bờ.