Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biển cho ngư dân về quản lý biên giới, biển đảo; vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về điều kiện khai thác thủy sản trên biển, gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh trong tình hình mới.
Đơn vị tiếp tục duy trì việc ký cam kết không khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài đối với các thuyền trưởng, chủ tàu khai thác xa; kiên quyết không làm thủ tục xuất bến đối với chủ tàu, thuyền trưởng không thực hiện việc ký cam kết, không chấp hành đầy đủ các quy định hoặc thiếu các loại giấy tờ, thiết bị cần thiết.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên rà soát, theo dõi số phương tiện cải hoán, nâng cấp, đóng mới nhưng chưa đủ điều kiện đăng ký, đăng kiểm, các phương tiện không có hoặc hết hạn đăng kiểm, đăng ký giấy phép khai thác, các phương tiện đã loại khỏi danh sách đăng ký… định kỳ.
Đồng thời cập nhật, thông báo và đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách các tàu cá vi phạm quy định khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài để địa phương và nhân địa bàn khu vực biên giới biển theo dõi, quản lý, qua đó cũng nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác IUU.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh xây dựng các chương trình, kế hoạch khuyến khích ngư dân đăng ký đầy đủ thủ tục để vươn khơi bám biển; tuyên truyền vận động ngư dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, không khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các gia đình khó khăn hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục đăng ký, đăng kiểm phương tiện hoặc chuyển đổi nghề phù hợp; tăng cường giám sát việc thu nộp nhật ký báo cáo khai thác thủy sản tại các bến cá, các điểm đưa hải sản từ tàu cá lên bờ trên địa bàn.
Cùng đó, ngành chức năng thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra tổng thể về quản lý khai thác, quản lý phương tiện tàu thuyền trên biển và tại cảng cá theo kế hoạch, biểu mẫu quy định của Ủy ban châu Âu và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; không cấp giấy phép cho những chủ tàu cá có phương tiện vi phạm vùng biển nước ngoài; bắt buộc tất cả các chủ tàu khai thác xa bờ phải có hợp đồng trách nhiệm với thuyền trưởng và có xác nhận của chính quyền địa phương.
Chủ tàu hoặc thuyền trưởng tàu cá khai thác xa bờ phải thực hiện ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác, lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình theo quy định, bật thiết bị giám sát hành trình 24/24 giờ và kết nối với trạm bờ của chi cục thủy sản…
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn, những năm qua, ngư dân trên địa bàn tỉnh đã cùng với các ngành chức năng nỗ lực rất nhiều để khắc phục “thẻ vàng” do Ủy ban châu Âu cảnh báo đối với thủy sản khai thác của Việt Nam. Đến nay, trong tỉnh chưa phát hiện tình trạng tàu cá vi phạm các quy định về khai thác tại vùng biển nước ngoài.
Tuy nhiên, vẫn còn một số người dân sử dụng phương tiện chưa được đăng ký, đăng kiểm; việc cấp giấy phép phương tiện chưa đảm bảo đầy đủ các quy định về thiết bị an toàn trước khi ra khơi bám biển; việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quản lý các phương tiện khai thác trên địa bàn tỉnh chưa đồng bộ, thống nhất, tiềm ẩn nguy cơ tàu cá vi phạm khai thác tại vùng biển nước ngoài.
Hiện tỉnh Trà Vinh số tàu đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt tỷ lệ 100% trên tổng số tàu đang hoạt động. Còn lại 25 tàu chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình do các nguyên nhân bị hư hỏng nặng, bán sang tỉnh khác nhưng chưa làm thủ tục sang tên, nằm bờ không hoạt động.