Từ nguồn vốn bồi thường của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang xây dựng, nâng cấp cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền, góp phần tạo diện mạo và động lực phát triển mới đối với hoạt động đánh bắt xa bờ của địa phương. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện dự án đang bị chậm, đòi hỏi nỗ lực lớn của nhà thầu và sự chỉ đạo quyết liệt từ phía lãnh đạo chính quyền địa phương.
Đốc thúc đẩy nhanh tiến độ
Dự án “Xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá” của tỉnh Thừa Thiên - Huế được thực hiện từ năm 2019, có tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng. Dự án này gồm có 3 dự án thành phần nhỏ là dự án cảng cá Thuận An kết hợp khu neo đậu tránh trú bão; dự án nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão Phú Hải; dự án cảng cá Tư Hiền kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão.
Tiến độ giải ngân của các dự án thành phần hiện đang chậm, cụ thể dự án cảng cá Thuận An kết hợp khu neo đậu tránh trú bão mới giải ngân được 120/250 tỷ đồng; dự án nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão Phú Hải giải ngân được 19/40 tỷ đồng; dự án cảng cá Tư Hiền kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão mới giải ngân được 3,6/110 tỷ đồng.
Cảng cá Thuận An ở thành phố Huế là cảng cá lớn nhất của tỉnh Thừa Thiên - Huế được xây dựng cách đây hơn 10 năm và đang trở lên quá tải, do số lượng tàu đánh cá của địa phương tăng nhanh những năm gần đây. Bên cạnh cảng cá cũ là công trường nhộn nhịp của dự án xây dựng cảng cá Thuận An mới kết hợp khu neo đậu tránh trú bão với giá trị đầu tư khoảng 250 tỷ đồng. Những hạng mục đầu tư của dự án này gồm: bến cập tàu, đường giao thông, đê chắn sóng, hệ thống phao neo, nhà điều hành, nhà phân loại cá, khu hạ tầng kỹ thuật, hệ thống cấp nước ngọt, xử lý nước thải, nạo vét khu neo đậu, luồng chạy tàu…
Theo ông Thái Văn Phúc, Trưởng phòng Quản lý và Xây dựng công trình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế, tiến độ chung của dự án xây dựng cảng cá Thuận An mới kết hợp khu neo đậu tránh trú bão hiện đạt khoảng 60%, chậm so với tiến độ kế hoạch đề ra. Nguyên nhân do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các nhà thầu khó khăn trong việc huy động nhân lực và thiết bị máy móc thi công. Nhiều hạng mục hiện đang triển khai chậm như bến cập tàu, đê chắn sóng…
Đối với dự án nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão Phú Hải, với tiến độ thực tế và sự cam kết của chủ đầu tư dự kiến cuối tháng 9/2021 sẽ cơ bản hoàn thành. Hiện nay, nhà thầu đã nạo vét khu neo đậu được 50.000/150.000 m3; việc xây dựng đê chắn sóng với chiều dài hơn 71m hiện đã hoàn thành đúc toàn bộ 60 cọc, tiến hành đóng được gần 40 cọc.
Dự án cảng cá Tư Hiền kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão đang có tiến độ chậm nhất, mới ở giai đoạn thiết kế bản vẽ thi công. Nguyên nhân do những năm gần đây khu vực này thường xuyên bị bồi lấp, ảnh hưởng đến việc di chuyển của tàu thuyền ra vào cảng nên quá trình thiết kế đòi hỏi thời gian nghiên cứu thực tế thấu đáo nhằm tìm ra giải pháp phù hợp cho hiệu quả đầu tư. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế, dự kiến trong tháng 10/2021, dự án này sẽ được khởi công xây dựng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Hoàng Hải Minh cho biết, dự án “Xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá” là một dự án phức tạp gồm nhiều hạng mục, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và phải tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng nên kết quả giải ngân vừa qua chưa đạt được mục tiêu đề ra. Đối với cảng cá Thuận An, hiện nay, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo chủ đầu tư, các nhà thầu, đơn vị giám sát hàng tuần phải có báo cáo tiến độ giải ngân và hoàn thành các hạng mục, quyết tâm đến trước mùa mưa bão vào cuối tháng 10/2021 sẽ hoàn thành phần lớn những hạng mục có thể bị ảnh hưởng bởi thời tiết.
Theo Quyết định số 743/QĐ-TTg ngày 20/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian hoàn thành dự án “Xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá” là trước ngày 31/12/2021. Với tiến độ thực hiện thực tế hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên – Huế đang đề xuất UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế xin Chính phủ gia hạn hoàn thành dự án thêm 1 năm.
Kỳ vọng vào hạ tầng nghề cá đồng bộ, hiện đại
Nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 7 km về phía Đông, trung bình mỗi năm sản lượng hải sản đánh bắt của các tàu cập cảng cá Thuận An đạt xấp xỉ 20.000 tấn/năm. Ông Trần Văn Hải, chủ tàu cá TTH 99613 chia sẻ, cầu cảng cá cũ được xây dựng cách đây hơn 10 năm hiện nay đang xuống cấp và bị quá tải về công suất phục vụ. Các tàu cá địa phương khi vươn khơi đánh bắt trở về phải “xếp hàng” nhiều giờ đồng hồ mới có vị trí để bốc cá lên bờ, những xe ô tô thu mua hải sản đông lạnh có trọng tải lớn không thể chạy ra khu vực cầu cảng để nhận hàng, qua đó gây nhiều bất tiện trong quá trình thu mua, sơ chế cấp đông sản phẩm để đưa đi tiêu thụ.
Tại phường Thuận An, thành phố Huế có khoảng 50 tàu đánh bắt xa bờ thường xuyên neo đậu tại khu vực cảng cá này. Ngoài ra, hàng trăm tàu thuyền lớn ở những địa phương khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng liên tục ra vào cập bến tại đây. Số lượng tàu thuyền lớn nhưng hạ tầng phụ trợ thiết yếu như hệ thống cung cấp nước ngọt, xử lý nước thải, xưởng sản xuất đá cây, xưởng phân loại, cấp đông cá ở cảng cá Thuận An cũ chưa được quy hoạch đầu tư bài bản nên nhiều năm qua cảng cá này luôn trong tình trạng phải mặc “chiếc áo quá chật” so với nhu cầu phục vụ thực tế.
Dự án Cảng cá Thuận An mới kết hợp khu neo đậu tránh trú bão được triển khai xây dựng trên quy mô diện tích 4,9 ha, với các phân khu được thiết kế đồng bộ, hiện đại; trong đó bến cập tàu có chiều dài 370 m. Khu cảng cá mới đảm bảo quy mô đón sản lượng hải sản đánh bắt với công suất tối thiểu 20.000 tấn/năm; đáp ứng nhu cầu neo đậu và tránh trú bão cùng lúc cho 500 tàu thuyền các loại có chiều dài từ 6m trở lên.
Ông Trần Văn Hải, chủ tàu cá TTH 99613 chia sẻ, bà con ngư dân rất ngóng đợi công trình cảng cá Thuận An mới sớm hoàn thành những hạng mục chính để đưa vào khai thác sử dụng vào cuối năm 2021. Hiện nay, tuyến đê chắn sóng và hệ thống phao neo phía Đông đã hoàn thành, tuyến phía Tây đang thi công, trong tương lai khi vào mùa mưa bão, các tàu cá trong và ngoài tỉnh sẽ có nơi tránh trú an toàn, không còn phải lo lắng tàu thuyền bị va đập, mắc cạn do thiếu chỗ neo đậu như hiện nay.
Giám đốc Ban quản lý Cảng cá tỉnh Thừa Thiên - Huế Trần Quang Nhất cho biết, địa phương có đường bờ biển dài khoảng 120 km, với nhiều ngư dân sinh sống bằng nghề khai thác, đánh bắt hải sản trên biển, đầm phá. Việc đầu tư xây dựng, nâng cấp đồng bộ và hiện đại cơ sở hạ tầng nghề cá không chỉ giúp cho ngành khai thác, chế biến hải sản của địa phương gia tăng giá trị, phát triển bền vững, mà còn trở thành cơ sở hậu cần nghề cá lớn ở khu vực miền Trung phục vụ tàu thuyền của các tỉnh, thành lân cận.
Đồng thời, khi dự án “Xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá” của tỉnh Thừa Thiên – Huế hoàn thành sẽ đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn của Ủy ban châu Âu (EC) về quản lý cảng cá, góp phần chung trong nỗ lực tháo gỡ “thẻ vàng” IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) hiện nay.