Cục Xuất nhập khẩu vừa công bố danh sách thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo tính đến ngày 5/11. Theo đó, cả nước có 205 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Trong danh sách, Cần Thơ tiếp tục là tỉnh thành có số lượng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo lớn nhất cả nước, với 44 doanh nghiệp; tiếp đến là TP Hồ Chí Minh có 41 doanh nghiệp; Long An 23 doanh nghiệp; An Giang và Đồng Tháp có 20 doanh nghiệp; Hà Nội 9 doanh nghiệp; Tiền Giang 8 doanh nghiệp; Kiên Giang và Nghệ An có 6 doanh nghiệp…
Một số địa phương chỉ có 1 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, như: Đắk Nông, Trà Vinh, Bình Định, Hà Tĩnh, Nam Định...
Thống kê từ Bộ Công Thương, đến hết tháng 10/2021, Việt Nam đã xuất khẩu đạt 5,1 triệu tấn gạo, trị giá 2,65 tỷ USD.
Hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đang tích cực khôi phục sản xuất trở lại để đáp ứng tiến độ giao hàng trong hai tháng cuối năm 2021, cũng như nhu cầu từ nhiều thị trường nhập khẩu lớn tại châu Á.
Tuy nhiên, nhận định từ các chuyên gia thương mại cho thấy, xuất khẩu gạo những tháng gần đây đang gặp khó khăn bởi nhiều yếu tố bất lợi từ dịch COVID-19. Theo dự báo, trong những tháng cuối năm, hoạt động xuất khẩu gạo tiếp tục được đẩy mạnh. Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu sẽ được khơi thông do các địa phương đã bắt đầu nới lỏng giãn cách từ đầu tháng 10 và chủ trương nối lại sản xuất an toàn.
Đặc biệt, thị trường gạo thế giới bắt đầu có dấu hiệu sôi động trở lại khi dịch COVID-19 ở các nước xuất khẩu và nhập khẩu bớt căng thẳng, cho phép hoạt động thương mại gạo được nối lại.