Con số này tính tổng cả vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù vốn FDI tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 0,5 điểm phần trăm so với 8 tháng năm 2023. Trong số này, ngoài vốn đầu tư điều chỉnh giảm thì vốn đầu tư mới và góp vốn mua cổ phần vẫn tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ.
Cụ thể, trong 9 tháng có 2.254 dự án đầu tư mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 66,3% so với cùng kỳ với tổng vốn đăng ký đạt hơn 10,23 tỷ USD - tăng 43,6% so với cùng kỳ.
Có 934 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 21,5% so với cùng kỳ với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 5,15 tỷ USD - giảm 37,3% so với cùng kỳ. Có 2.539 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 5,9% so với cùng kỳ và tổng giá trị vốn góp đạt hơn 4,82 tỷ USD - tăng 47%.
Trong 9 tháng, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vững ngôi vị dẫn đầu trong nhiều năm liên tiếp với tổng vốn đầu tư đạt hơn 14 tỷ USD, chiếm gần 69,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 15,5% so với cùng kỳ.
Ngành kinh doanh bất động sản trụ ở vị trí thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 1,94 tỷ USD, chiếm hơn 9,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 45% so với cùng kỳ. Các ngành tài chính ngân hàng, bán buôn, bán lẻ xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 1,54 tỷ USD (gấp gần 63,8 lần) và gần 734 triệu USD (tăng 18,7%). Còn lại là các ngành khác.
Xét về số lượng dự án mới, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo cũng là ngành dẫn đầu về số dự án mới khi chiếm tới 32,6% còn dự án điều chỉnh vốn chiếm 56,3%. Ngành bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về số giao dịch góp vốn mua cổ phần khi chiếm tới 41,4%.