Chuyên gia ngân hàng Mohamed Abdel-Al giải thích rằng thỏa thuận gần đây giữa CBE với Ngân hàng BRICS, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và Ngân hàng Trung ương UAE là một bước quan trọng nhằm thúc đẩy thanh toán bằng đồng nội tệ, để giải quyết tình trạng thiết hụt ngoại tệ mạnh, chủ yếu là USD của Ai Cập.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Al-Masry Al-Youm, chuyên gia này giải thích rằng đồng Dirham của UAE là một loại tiền tệ dầu mỏ có thể chuyển đổi sang các loại tiền tệ khác như đồng USD hoặc Euro trên các sàn giao dịch chứng khoán toàn cầu. Nhờ thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với UAE, Ai Cập sẽ dễ dàng tiếp cận với các đồng ngoại tệ mạnh khác, trong đó có USD.
Ông nói thêm rằng việc Cairo đổi 42 tỷ Bảng Ai Cập lấy 5 tỷ Dirham của UAE sẽ giúp đất nước Kim tự tháp gia tăng thanh khoản và bù đắp được phần nào khoảng trống hiện nay liên quan tới việc khan hiếm ngoại hối. Ngược lại, UAE có thể hưởng lợi từ việc sở hữu 42 tỷ Bảng Ai Cập, bằng cách bơm lại số tiền này vào thị trường Ai Cập thông qua việc mua tài sản, đây được coi là một khoản đầu tư trực tiếp.
Theo thỏa thuận được ký kết giữa hai bên, việc hoán đổi tiền tệ giữa Ai Cập và UAE có thể kéo dài một năm hoặc lâu hơn.
Thành viên của Hiệp hội Doanh nhân Ai Cập, ông Ahmed al-Zayat bình luận rằng thỏa thuận này có lợi cho Ai Cập trong việc giảm áp lực khan hiếm đồng USD và tăng cường ổn định tài chính, vì nó cung cấp cho Ai Cập 1,4 tỷ USD qua cán cân thanh toán, nhờ đó làm giảm thâm hụt thương mại.
Ngoài thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với UAE, Ai Cập cũng đã triển khai những bước đầu tiên trong việc hoán đổi đồng Bảng Ai Cập với đồng tiền của khối BRICS, trong đó có đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc. Ai Cập đang lên kế hoạch gia nhập khối BRICS, vốn chiếm 80% khối lượng trao đổi thương mại và 65% GDP của thế giới.