Ấn Độ thúc đẩy 'chính sách hướng Đông'

Trong ba ngày từ 26-28/2, tại Shillong (bang Meghalaya), đã diễn ra hội thảo và hội chợ thúc đẩy “chính sách hướng Đông” của Ấn Độ. Tham dự sự kiện này có Thủ hiến bang Meghalaya, Hội đồng và các doanh nhân khu vực Đông Bắc, Phòng Thương mại Ấn Độ cùng các đại biểu đến từ một số nước như Việt Nam, Singapore, Campuchia và Banglades. 


Đại sứ Tôn Sinh Thành tham dự lễ bế mạc hội thảo


Theo phóng viên TTXVN tại Ấn Độ, phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ hiến bang Meghalaya đã nhấn mạnh tầm quan trọng của “chính sách hướng Đông”, kêu gọi tăng cường sự kết nối giữa vùng Đông Bắc Ấn Độ với khu vực Đông Nam Á trên cơ sở khai thác các tiềm năng và tận dụng lợi thế để thúc đẩy hợp tác kinh doanh. 


Các bài phát biểu tại hội thảo đều cho rằng “chính sách hướng Đông” của Ấn Độ thời gian qua đã được thúc đẩy triển khai và đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, thương mại, đầu tư của Ấn Độ vào khu vực còn rất nhiều tiềm năng để khai thác; kết nối đường bộ, đường biển và đường không cần được mở rộng và tăng cường; các bên cần thúc đẩy vai trò của giáo dục, văn hóa và kết nối với vùng Đông Bắc Ấn Độ trong triển khai “chính sách hướng Đông”.
Tham dự và phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành cho biết Ấn Độ – ASEAN có quan hệ tốt đẹp, đã ký thỏa thuận đối tác chiến lược và cùng tham gia rất nhiều các diễn đoàn khu vực như ARF, BIMSTEC…Hai bên cũng đã ký Hiệp định thương mại tự do. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng nhanh từ 3 tỷ USD năm 1994 lên gần 80 tỷ USD vào cuối tài khóa 2013-2014. Hy vọng con số này sẽ lên tới 100 tỷ USD trong năm nay và 200 tỷ USD vào năm 2020. 


Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp. Hai bên đã ký Thỏa thuận đối tác chiến lược từ năm 2007 và từ đó đến nay, hợp tác song phương liên tục được thúc đẩy trên tất cả các lĩnh vực. Ấn Độ hiện là một trong số 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch song phương tăng mạnh từ 1 tỷ USD năm 2006 lên hơn 8 tỷ USD vào năm ngoái. Hai bên cùng hướng đến kim ngạch 15 tỷ USD vào năm 2020. Việt Nam luôn ủng hộ “chính sách hướng Đông” của Ấn Độ và hoan nghênh sự hiện diện nhiều hơn của Ấn Độ tại khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. 


Ấn Độ đã đầu tư vào Việt Nam trên 220 triệu USD trong khi đầu tư của Việt Nam vào Ấn Độ vào khoảng 26 triệu USD. Hàng năm, có khoảng 20.000 khách du lịch Việt Nam hành hương đến các thánh địa Phật giáo tại Ấn Độ. Theo chiều ngược lại, khoảng 30.000 khách du lịch Ấn Độ vào Việt Nam mỗi năm và hy vọng con số này sẽ tăng lên 100.000 trong tương lai gần. 


Đại sứ Tôn Sinh Thành cũng nhấn mạnh vùng Đông Bắc là một phần quan trọng trong “chính sách hướng Đông” của Ấn Độ và có lợi thế đặc biệt về vị trí địa lý – cửa ngõ đến các nước Đông Nam Á. Để tăng cường hợp tác giữa vùng Đông Bắc và khu vực Đông Nam Á, Đại sứ cho rằng cần nhanh chóng tăng cường kết nối đặc biệt là đường bộ và đường không; cần có nhiều hơn các chương trình cụ thể nhằm biến chính sách thành hành động. Để tận dụng cơ hội này, theo Đại sứ, cần có nhiều chính sách ưu đãi và các hoạt động cụ thể để quảng bá vùng Đông Bắc của Ấn Độ như là điểm đến của đầu tư và du lịch.


Trong thời gian tại Shillong, các đại biểu tham dự hội thảo cũng đã thăm quan các gian hàng của các doanh nghiệp vùng Đông Bắc Ấn Độ và một số nước trưng bày tại hội trợ.



Đăng Chính (P/v TTXVN tại New Delhi)

Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của doanh nghiệp Ấn Độ
Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của doanh nghiệp Ấn Độ

Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn về đầu tư, thương mại trong khu vực châu Á của các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các công ty đến từ Ấn Độ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN