Phát triển du lịch xanh
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Hà, Phó chi cục trưởng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hoá cho biết, những năm gần đây, phát triển kinh tế bền vững gắn với tăng trưởng xanh, du lịch xanh ngày càng được quan tâm, trở thành hướng phát triển quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng, phát triển du lịch xanh giúp khẳng định Việt Nam không còn là điểm đến mới nổi, mà là một quốc gia phát triển du lịch có khả năng cạnh tranh.
Thực tế trong thời gian qua, du lịch nước ta đã đạt được những bước tiến dài cả về lượng khách và doanh thu ở thị trường quốc tế lẫn nội địa.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 8,83 triệu lượt, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm 2023. Khách nội địa ước đạt 66,5 triệu lượt. Tổng thu ước đạt khoảng 436,5 nghìn tỷ đồng. Như vậy, lượng khách đến nửa năm đã đạt 50% mục tiêu đề ra cả năm là 17 - 18 triệu lượt.
Trong sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam, du lịch Thanh Hóa đóng góp một phần quan trọng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đón gần 9,8 triệu lượt khách, tăng 16% so với cùng kỳ 2023. Tổng thu du lịch ước đạt gần 20.000 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ. Trong đó, khách đến Sầm Sơn chiếm hơn 65% tổng lượng khách đến Thanh Hóa, tỷ lệ khách lưu trú tăng hơn 30% so với cùng kỳ.
Những con số trên cho thấy, ngành du lịch ngày càng đóng góp quan trọng vào cơ cấu nền kinh tế Việt Nam nói chung, Thanh Hóa và Sầm Sơn nói riêng. Nhất là trong bối cảnh kinh tế sản xuất đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Vì thế, phát triển du lịch là một hướng đi đúng đắn, góp phần phát triển kinh tế vùng, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân.
Hiện nay, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các điểm du lịch không chỉ là nỗi lo của du khách mà còn là trăn trở của cả ngành du lịch, của chính quyền địa phương. Bởi lẽ, không phải cơ sở du lịch nào cũng đảm bảo tốt an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịch vụ ăn uống, nhất là ở các điểm du lịch, lễ hội... Hành vi sử dụng hóa chất cấm trong nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản, thực phẩm, chưa được ngăn chặn hiệu quả, nên nguồn nguyên liệu phục vụ dịch vụ ăn uống khó bảo đảm tốt về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các chuyên gia cho rằng, với những lợi ích đa dạng và toàn diện, du lịch xanh trở thành một hướng phát triển quan trọng cho ngành du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, để phát triển du lịch bền vững, vấn đề an toàn thực phẩm cần phải được giải quyết triệt để.
Theo ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Phát triển du lịch châu Á (ATI), Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC), phát triển mô hình du lịch xanh đòi hỏi tuân thủ một loạt các tiêu chí nhằm đảm bảo rằng các hoạt động du lịch không chỉ thân thiện với môi trường mà còn mang lại lợi ích bền vững cho cộng đồng địa phương và nền kinh tế.
Muốn phát triển mô hình du lịch xanh thì cần quan tâm đến các yếu tố như: Đánh giá tác động môi trường (EIA) trước khi khởi động bất kỳ dự án nào; cần bảo vệ sinh thái địa phương đặc biệt là các loài động vật nguy cấp và môi trường sống tự nhiên; áp dụng chính sách giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế rác thải, hạn chế sử dụng nhựa dùng 1 lần; nên sử dụng nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió hoặc thủy điện nhỏ.
Ngoài ra, sử dụng các thiết bị tiết kiệm nước, không xả thải ô nhiễm ra các nguồn nước tự nhiên. Đặc biệt cần phải nâng cao nhận thức giáo dục, truyền cảm hứng, giáo dục cộng đồng và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
Đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Hà Văn Giáp, Chánh văn phòng điều phối về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Thanh Hoá cho biết tình trạng thực phẩm bẩn là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư tại Việt Nam. Bệnh lý ung thư đã và đang là gánh nặng cho gia đình, cho xã hội trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Theo số liệu Globocan (Tổ chức Ung thư toàn cầu) 2022 vừa được công bố đầu tháng 3 năm nay, trên toàn thế giới có khoảng 19,9 triệu ca mới và 9,7 triệu ca tử vong, tại Việt Nam có khoảng 180.400 ca mới và hơn 120.000 ca tử vong do ung thư.
Theo các chuyên gia, số ca mắc ung thư tăng nhanh trong những năm gần đây do 3 nguyên nhân chính: thực phẩm bẩn, môi trường ô nhiễm, tuổi thọ tăng. Trong đó tác nhân thực phẩm bẩn đứng hàng đầu, chiếm khoảng 35%, thuốc lá 30%, di truyền chỉ 5-10%, còn lại là các nguyên nhân khác.
Ngày nay, thực phẩm bẩn xuất hiện rất nhiều, người tiêu dùng gặp khó khăn trong vấn đề nhận biết, khó phân biệt đâu là thực phẩm bẩn đâu là thực phẩm sạch, an toàn.
Trước thực trạng đó, tỉnh Thanh Hoá, Ban chấp hành đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, Kết luận 624-KL/TU ngày 04/10/2021 Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
Chánh văn phòng điều phối về vệ sinh An toàn thực phẩm tỉnh Thanh Hoá đưa ra giải pháp đối với cơ quan quản lý Nhà nước. Đó là tăng cường công tác quản lý trên cơ sở ban hành các quy định cụ thể về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đối với các khách sạn, nhà hàng phục vụ khách du lịch; Yêu cầu các khách sạn, nhà hàng cam kết thực hiện các quy định đã đề ra về nguồn nguyên liệu thực phẩm đảm bảo chất lượng, điều kiện vệ sinh các trang thiết bị dụng cụ, môi trường và nhân viên phục vụ. Cùng với đó, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh… đối với nội dung bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Có chế tài xử lý phù hợp đối với các doanh nghiệp vi phạm quy định, có thể gây hoặc đã gây ngộ độc thực phẩm đối với khách du lịch, ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của ngành du lịch Việt Nam.
Việc bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm hiện nay là vấn đề cấp bách, quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội nói riêng và du lịch nói riêng. Điều này góp phần quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam đến với các du khách, bạn bè trên thế giới và hội nhập quốc tế, đồng thời cũng có tác dụng bảo vệ sức khỏe của du khách và thu hút du khách đến với ẩm thực Việt Nam.
“Để làm tốt vấn đề này cần sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn và cộng đồng nhân dân để từng bước thay đổi từ nhận thức, tư duy đến hành động trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm và góp phần xây dựng nền văn hóa ẩm thực Xứ Thanh nói riêng và Việt Nam nói chung”, ông Hà Văn Giáp khẳng định.
Đóng góp ý kiến về nội dung này, ông Nguyễn Hữu Hà, Phó chi cục trưởng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hoá cho rằng, công tác quản lý Vệ sinh an toàn thực phẩm tại Việt Nam bắt đầu bằng Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm 2003, với Bộ Y tế là đầu mối quản lý toàn diện vấn đề an toàn thực phẩm.
Sau 7 năm thực hiện, đã ghi nhận nhiều bất cập, trên cơ sở tham mưu các Bộ, ngành, năm 2010 Quốc hội đã ban hành Luật An toàn thực phẩm - Văn bản pháp lý cao nhất đến giờ trong công tác an toàn thực phẩm.
Theo đó, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm được phân công cho 3 ngành quản lý, gồm y tế, nông nghiệp và công thương. Và Luật cũng đã phân công, phân cấp cho các bộ ngành quản lý xuyên suốt từ lúc còn là nguyên liệu đến đầu ra sản phẩm - khá rõ trong vấn đề phân cấp phân quyền.
Tuy nhiên thời gian gần đây số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra có sự gia tăng đột biến, 6 tháng đầu năm 2024 có 36 vụ ngộ độc, với hơn 2000 người mắc và 6 người chết. Nên Thủ tướng đã ban hành công điện yêu cầu tăng cường công tác về an toàn thực phẩm.
Thực tế đặt ra yêu cầu cần có Luật An toàn thực phẩm mới phù hợp hơn. Quốc hội đã giao Bộ Y tế sửa đổi Luật an toàn thực phẩm, hạn chót trình là năm 2025.
Theo góc độ nhà quản lý địa phương, ông Nguyễn Hữu Hà mong muốn nhất luật mới sẽ sửa đổi về mô hình tổ chức: Hiện nay có rất nhiều mô hình tổ chức, từ ban, sở, đến chi cục…, ông Hà mong muốn có đột phá về mô hình, thống nhất toàn quốc, giúp công tác quản lý đồng bộ, hiệu quả hơn, theo hướng 1 đầu mối. Nếu có sự phân công, phân cấp thì cần rõ hơn nữa về vai trò các bên, giúp công tác quản lý hiệu quả hơn, tránh tình trạng ngành này đổ lỗi ngành kia khi xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, tránh những bất cập như 2 cơ quan cùng quản lý 1 nhà máy.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cho biết, yếu tố thực phẩm là một phần rất quan trọng trong phát triển du lịch, do đó cần nâng cao chú trọng trong công tác kiểm tra kiểm soát thực phẩm.
Khi đi du lịch, khách du lịch có nhu cầu thưởng thức đặc sản vùng miền của địa phương đó. Để đảm bảo an toàn thực phẩm, các đặc sản này cũng cần kiểm tra kiểm soát, cần chuẩn chỉnh về bao bì, nhãn mác, tuân thủ các quy định theo Luật An toàn thực phẩm.
Ông Phạm Lộc Ninh, Phó Chủ tịch Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam, Viện trưởng Viện Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại đánh giá, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm gắn mác sản phẩm thiên nhiên, trên thực tế chưa chắc đã chính xác. Phương pháp hậu kiểm như thế nào, tiêu chuẩn đó có đảm bảo không, có đúng không còn hạn chế. Đã có nhiều cuộc hội thảo nói về vấn đề này.
Hiện nay, người tiêu dùng mong muốn được dùng sản phẩm xanh, sạch, nhưng xác định có đúng sản phẩm sạch không thì rất là khó. Có những sản phẩm gắn với một chuỗi thì trách nhiệm thuộc từng bộ ngành. Một sản phẩm thiên nhiên, khi tác động hoá học dù chỉ một chút thì cũng không thể gọi sản phẩm 100% thiên nhiên.
Theo đó, theo ông Phạm Lộc Ninh, phải dựa trên tiêu chuẩn nhất định, đánh giá chỉ tiêu rất rõ ràng, có quy trình kiểm soát các sản phẩm đó. Một sản phẩm khi sản xuất có cả quá trình, thì bước nào cần kiểm soát thì mới đảm bảo được.