Áp dụng công nghệ mới sản xuất chè xuất khẩu

Tuyên Quang hiện có trên 7.000 ha chè với 17 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến chè đã chú trọng đổi mới công nghệ.

 Do vậy, chất lượng chè xuất khẩu đã được nâng cao, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và công cuộc xoá đói giảm nghèo trong khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh .

Tiêu biểu như Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm đã đầu tư 44 tỷ đồng, Công ty cổ phần Chè Tân Trào đầu tư 10 tỷ đồng, Công ty cổ phần Chè Sông Lô đầu tư gần 6 tỷ đồng... đổi mới công nghệ.

 Ông Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm cho biết: Sau khi đưa vào sử dụng 4 dây chuyền sản xuất chè đen CTC do Ấn Độ sản xuất, công suất chế biến 90 tấn nguyên liệu/ngày, giá trị chè xuất khẩu của Công ty đã tăng từ 10 đến 15% so với trước, nhờ vậy, giá thu mua chè nguyên liệu cũng tăng theo từ 3.600 đồng đến 3.900 đồng/kg búp tươi.

 Đây là giá thu mua chè nguyên liệu cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Dự kiến năm 2011, Công ty sẽ thu mua 15.000 tấn chè nguyên liệu để chế biến ra 3.000 tấn sản phẩm.

Công ty cổ phần chè Tân Trào đầu tư thêm 10 tỷ đồng để đổi mới công nghệ sản xuất, mua máy lăn viên, tạo hình, dây truyền sản xuất chè xanh GP của Trung Quốc... sản phẩm chè xanh, chè đen của Công ty đã và đang khẳng định được tên tuổi tại thị trường Đông Âu, Trung Á...

 Năm nay Công ty phấn đấu xuất khẩu 2.700 tấn, trong đó chè đen 700 tấn, chè xanh 2.000 tấn, tổng doanh thu đạt hơn 50 tỷ đồng; thu nhập bình quân công nhân đạt gần 2 triệu đồng/người/tháng. Cũng nhờ đổi mới công nghệ, Công ty TNHH Hoàn Sơn đã và đang khẳng định được chỗ đứng trên thị trường.

Ông Hoàng Quốc Bình, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tuyên Quang khẳng định: Để có sản phẩm xuất khẩu có sức cạnh tranh cao trên thị trường thế giới, các doanh nghiệp chè Tuyên Quang đã tăng cường quảng bá sản phẩm, chủ động tiết kiệm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, cắt giảm những khâu trung gian và giảm chi phí giao dịch xuống mức thấp nhất.

 Cùng với đó, các doanh nghiệp đã chuyển đổi cơ cấu giống chè, tập trung chuyển từ việc trồng chè trung du búp nhỏ, năng suất thấp, sang trồng chè các giống có năng suất, chất lượng cao như: LDP1, LDP2, giống chè đặc sản Bát tiên, Đại bạch trà...

 Sau nhiều năm khá trầm lắng về thị trường xuất khẩu chè, đến nay các doanh nghiệp chè của Tuyên Quang đã tìm được hướng xuất khẩu trực tiếp, làm tăng giá trị hàng hóa từ 15 % đến 20%. Bởi cây Chè đang được tỉnh xác định là cây trồng chính, đóng vai trò quan trọng trong chương trình xoá đói giảm nghèo nâng cao đời sống cho hàng nghìn hộ dân miền núi, vùng đồng bào dân tộc.

TTXVN
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN