Áp lực kiểm soát CPI khi điện, xăng đồng loạt tăng giá

Giá điện và giá xăng dầu trong nước lần lượt tăng khá mạnh cuối tháng 3, đầu tháng 4 đang bắt đầu tác động đến giá cả hàng hóa, dịch vụ, tạo sức ép kiểm soát lạm phát trong quý 2 và cả năm 2019.

Giá cả “nhúc nhích” tăng theo xăng, điện

Quyết định điều chỉnh giá bán điện bình quân của Bộ Công Thương tăng 8,36% đã có hiệu lực từ ngày 20/3, tăng từ 1.720,65 đồng lên hơn 1.864 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT). Theo tính toán của Cục Điều tiết điện lực, bình quân các hộ gia đình sử dụng điện sinh hoạt sẽ chịu mức tăng giá điện từ 7.000 đến hơn 77.000 đồng/tháng; hộ kinh doanh sẽ phải trả thêm bình quân 500.000 đồng/tháng; hộ sản xuất sẽ phải trả thêm gần 870.000 đồng/tháng.

Chú thích ảnh
Biểu đồ tăng giá điện trong những năm gần đây. Đồ họa: TTXVN

Đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, tăng giá điện vào thời điểm từ 15 - 20 hàng tháng sẽ ít ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng đó do không tính vào kỳ thu thập giá. Tuy nhiên, tác động sẽ thấy rõ trong tháng sau.

Anh Trung, chủ một quán lẩu tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ, do đặc thù của quán, nồi lẩu đều sử dụng điện, thời gian phục vụ khách lại nằm trong khung giờ cao điểm nên với cách tính giá điện mới, chi phí phát sinh của cửa hàng là không nhỏ.

"Nếu chỉ nhìn vào con số tính toán của ngành điện, có thể thấy mức tăng giá điện không quá cao nhưng đó chỉ là mức tăng bình quân. Thực tế, giá điện còn tính theo các khung giờ khác nhau, dù hộ sinh hoạt hay sản xuất kinh doanh thì lượng điện tiêu thụ trong giờ cao điểm rất lớn, khoản tiền thực trả có thể sẽ tăng hơn nhiều lần. Chưa kể giá xăng dầu cũng tăng, kéo theo phí vận chuyển tăng, giá nguyên liệu đều tăng lên, các hộ kinh doanh sẽ phải đội thêm rất nhiều chi phí. Vì vậy, để chưa phải tăng giá bán, nhà hàng tạm thời cắt giảm, thay thế một số món trong thực đơn sang các loại thực phẩm có chi phí phù hợp hơn", anh Trung cho biết.

Qua khảo sát tại một số chợ truyền thống ở Hà Nội như Thành Công, Kim Liên… vào đầu tháng 4/2019, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống đã bắt đầu tăng so với cuối tháng 3. Hiện, cá quả có giá 120.000 đồng/kg, cá điêu hồng 75.000 đồng/kg, cá chép 100.000 đồng/kg, cá trê 50.000 đồng/kg... tăng 5.000 - 10.000 đồng/kg. Thịt gà ta, thịt ngan, vịt cũng tăng khoảng 10.000 đồng/kg, hiện thịt vịt có giá từ 50.000 đến 60.000 đồng/kg, thịt gà ta 130.000 đồng/kg... Mặt hàng rau xanh giá tăng nhẹ: Su hào 5.000 đồng/củ (tăng 1.000 đồng), củ cải trắng 15.000 đồng/kg, rau muống 15.000 - 17.000 đồng/mớ (tăng nhẹ 1.000 - 2.000 đồng)...

Tiểu thương tại các chợ cho biết, giá xăng mới tăng gần 1.500 đồng, khiến nhiều mặt hàng buộc phải tăng giá. Khi bước vào kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ và dịp 30/4 - 1/5, giá cả còn có thể tiếp tục tăng.

Còn tại các hệ thống siêu thị, do hàng hóa được đặt hàng cung cấp theo hợp đồng dài hạn, nên giá hàng hóa chưa chịu tác động tăng ngay. Tuy nhiên, về lâu dài, khả năng này là khó tránh.

CPI chịu sức ép

Từ tháng 4 này, giá điện sẽ hoàn toàn tính theo mức giá mới, đây cũng là thời điểm bắt đầu vào mùa hè, lượng điện tiêu thụ tăng mạnh. Điều này khiến người dân lo lắng các loại hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm… sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới.

Chú thích ảnh
Hàng hóa trên thị trường chịu áp lực lớn từ giá xăng và điện. Ảnh: H.Dương

Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, trước khi tăng giá điện hay một số mặt hàng do Nhà nước quản lý, các bộ, ngành đều phối hợp với Tổng cục Thống kê tính toán tác động. Giá điện tăng có thể tác động trực tiếp làm tăng CPI 0,29% ngay trong tháng 4 và còn có thể tác động gián tiếp ở các tháng tiếp theo.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết thêm: "Tất cả kịch bản điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý đều có sự phối hợp giữa các bộ, ngành. Chúng tôi đã tính toán và nắm được lịch ghi chỉ số công tơ điện. Ngay từ đầu năm chúng tôi đã tính tháng nào nên tăng giá dịch vụ gì, tăng bao nhiêu...".

Ở kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 18/3, Tổng cục Thống kê đã khuyến nghị Bộ Công Thương không tăng giá xăng dầu, vì nếu giá xăng tăng gần như cùng thời điểm với giá điện sẽ gây lạm phát kỳ vọng và tâm lý hoang mang cho người dân. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, kể cả nếu tăng giá xăng dầu vào ngày 18/3, thì CPI tháng 3 vẫn "âm" từ 0,1 đến 0,2%.

Ông Nguyễn Bích Lâm lưu ý, CPI các tháng tiếp theo tăng là do chịu nhiều yếu tố tác động, chứ không chỉ có giá xăng hay giá điện. Từ nay đến cuối năm, giá một số nhóm hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý sẽ tăng theo lộ trình. Cụ thể, giá dịch vụ y tế mới tăng được 2/4 bước; giá dịch vụ giáo dục, sách giáo khoa, tiền lương cơ sở... sẽ tăng. Bên cạnh đó, do tác động của thị trường, một số mặt hàng lương thực, thực phẩm, du lịch và thời tiết tiêu cực sẽ khiến giá cả nhiều mặt hàng có xu hướng tăng, đặc biệt dịp lễ, Tết.

Tổng cục Thống kê khuyến cáo không nên tăng giá hàng hóa, dịch vụ vào quý II/2019 với những mặt hàng do Nhà nước quản lý, nhằm đạt mục tiêu kiềm chế CPI dưới 4% năm 2019 như Quốc hội giao.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2019 giảm 0,21% so với tháng trước, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2018. Bình quân quý I, CPI tăng 2,63% so với cùng kỳ năm trước.

 

Hoàng Dương/Báo Tin tức
Điều hành giá xăng dầu thế nào để mỗi lần tăng không gây 'sốc'?
Điều hành giá xăng dầu thế nào để mỗi lần tăng không gây 'sốc'?

Theo các chuyên gia kinh tế, việc điều hành giá xăng dầu cần nhịp nhàng hơn để tránh những lần tăng "giật cục".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN