Bạc Liêu tăng cường kiểm soát ô nhiễm nguồn nước vùng nuôi tôm

Trước tình hình môi trường nước ở một số vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn ô nhiễm nặng, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung chỉ đạo lực lượng Cảnh sát môi trường và ngành môi trường tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm xả thải trái phép ra môi trường; đồng thời, khuyến khích người nuôi tôm áp dụng quy trình nuôi công nghệ cao khép kín, tiết kiệm nước, tái sử dụng nguồn nước...

 

Chú thích ảnh
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ở Bạc Liêu. (Ảnh minh họa)

Thực hiện chỉ đạo trên, tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao; hướng dẫn người dân áp dụng quy trình xử lý nước thải, chất thải theo quy định. Cụ thể, thiết kế ao nuôi phải có 2 hệ thống ao xử lý nước thải; lắp đặt hệ thống xử lý nước thải từ xi phong đáy ao và có nơi chứa, xử lý an toàn trước khi thải ra môi trường. Cơ quan chuyên môn cũng khuyến khích các cơ sở nuôi trồng thủy sản tái sử dụng lượng nước thải thay nước từ ao nuôi hằng ngày, bằng cách thả các loại cá, nhuyễn thể hai mảnh vỏ…để cải thiện môi trường nước, hạn chế dịch bệnh.

Tuy nhiên, theo người dân gần đây mô hình nuôi tôm siêu thâm canh phát triển theo cấp số nhân nhưng khâu đầu tư quy trình xử lý nước thải rất thô sơ, xử lý không triệt để, thậm chí một số hộ xả thải trực tiếp ra sông, kênh, rạch, khiến ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng. Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đang phát triển ồ ạt nhưng không được địa phương quy hoạch vùng nuôi cụ thể, phần lớn nuôi đan xen trong vùng nuôi tôm quảng canh, hộ nào có điều kiện thì nuôi nên rất khó quản lý. Theo các chuyên gia, mô hình nuôi này mật độ và nâng suất rất cao, nhưng lượng chất thải xả ra môi trường rất lớn, nếu không được đầu tư xử lý đúng quy trình sẽ gây ra ô nhiễm vùng nuôi rất nghiêm trọng.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, nguồn nước ô nhiễm, thời tiết bất lợi, con giống nhiễm bệnh là nguyên nhân dẫn đến diện tích tôm nuôi thiệt hại đang có chiều hướng tăng ở tỉnh này. Theo ghi nhận, từ đầu năm đến nay trên địa bàn có hơn 8.000 ha tôm nuôi bị thiệt hại, trong đó diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh hơn 4.700 ha.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu, Lữ Thanh Tùng cho biết qua 233 mẫu nước trong ao, ngoài kênh, phân tích cho thấy các chỉ tiêu NO2-, NH4+, TSS, COD, Vibrio tổng số, Vibrio parahaemolyticus vượt giới hạn cho phép. Đối với ao nuôi, các chỉ tiêu NO2-, NH4+, TSS, COD, OSS, TAN, PO43-, Vibrio tổng số, Vibrio parahaemolyticus vượt giới hạn cho phép; phát hiện kim loại nặng như: Pb (Chì) tại cửa biển Nhà Mát (0,027 µg/l) và cửa biển Gành Hào (0,058 µg/l).

Tin, ảnh: Huỳnh Sử (TTXVN)
Kiểm tra việc khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm ở vùng Đồng Tháp Mười
Kiểm tra việc khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm ở vùng Đồng Tháp Mười

Việc khoan giếng ngầm lấy nước mặn, bổ sung muối để nuôi tôm và việc xả thải, rò rỉ, ngập tràn nước nhiễm mặn ra các khu vực, thủy vực nước ngọt sẽ tạo rủi ro rất khó lường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN