Chủ trương từ thực tiễn
Nhận thức rõ tiềm năng, lợi thế tỉnh ven biển với diện tích tự nhiên hơn 257.000 km2, có 56 km bờ biển và 3 cửa sông lớn (Nhà Mát, Cái Cùng, Gành Hào), với 3 vùng sinh thái mặn, ngọt và lợ; trong đó, đất có thể nuôi tôm chiếm gần 50% diện tích toàn tỉnh, Bạc Liêu đã xác định nuôi trồng thủy sản là lĩnh vực mũi nhọn trong phát triển kinh tế.
Để phát huy lợi thế trên, Bạc Liêu đã ban hành các nghị quyết, chủ trương nhằm kịp thời thúc đẩy ngành kinh tế mũi nhọn này phát triển. Theo đó, Tỉnh ủy Bạc Liêu đã ban hành Nghị quyết 02 về “Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển”; Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Định hướng phát triển kinh tế thủy sản”.
Đồng thời, tại Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015- 2020, tiếp tục khẳng định: Khuyến khích nhân rộng mô hình hợp tác, liên kết nuôi tôm công nghệ cao, siêu thâm canh trong nhà kính, nuôi tôm sạch giữa doanh nghiệp với nông dân và một số mô hình hợp tác, liên kết sản xuất… từng bước xây dựng cơ sở nuôi tôm sạch, an toàn dịch bệnh, tiến tới xây dựng thương hiệu tôm sạch, nhằm đa dạng hóa các đối tượng nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao.
Cùng với đó, năm 2018, Chính phủ phê duyệt thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, đây là điều kiện rất quan trọng để Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương, để ngành tôm phát triển đột phá, bền vững, Bạc Liêu đặt quyết tâm cao cả hệ thống chính trị, nhằm thực hiện thắng lợi các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như của các cấp ủy Đảng, chính quyền về phát triển kinh tế thủy sản, phát triển ngành tôm.
Theo đó, tỉnh đẩy mạnh quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tăng cường đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; đồng thời gắn sản xuất với chế biến và thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.
Tỉnh cũng thường xuyên đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục để đưa các Nghị quyết, Quyết định quan trọng nêu trên vào trong đời sống xã hội, tạo sự thống nhất cao trong ý chí và hành động của các tập thể, các ngành, của từng người dân và doanh nghiệp; vận động nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, nhất là trên lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao phát triển ngành tôm Bạc Liêu.
Từ chủ trương trên, hiện Bạc Liêu có 10 công ty, đơn vị và khoảng 300 hộ dân ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm, với diện tích hơn 1.600 ha. Các mô hình nuôi tôm trên cho hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh theo quy trình khép kín trong nhà kính, nhà màng 2 giai đoạn, cho năng suất từ 25-50 tấn/ha/vụ, lợi nhuận từ 500- 700 triệu đồng/ha/vụ.
Phát huy lợi thế
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, với 56 km bờ biển và diện tích nuôi trồng thủy sản chiếm hơn 50% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Sản lượng tôm hằng năm của Bạc Liêu đạt khoảng 115.800 tấn, đứng thứ 3 cả nước, mang lại giá trị hơn 12.000 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, điều kiện tự nhiên, thời tiết Bạc Liêu rất phù hợp để nuôi tôm và sản xuất con giống; có thể nuôi và sản xuất giống tôm quanh năm là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp chế biến và cơ sở nuôi duy trì hoạt động thường xuyên.
Ngoài ra, Bạc Liêu có nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao hàng đầu quốc gia và có thứ hạng cao trong khu vực Đông Nam Á, là tỉnh đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long và là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước trong sản xuất con giống chất lượng cao, với sản lượng sản xuất 25 tỷ con giống/năm, chiếm hơn 50% của vùng đồng bằng sông Cửu Long và khoảng 20% cả nước.
Đồng thời, trên địa bàn tập trung nhiều nhà máy chế biến, xuất khẩu tôm có tổng công suất thiết kế đứng thứ 3 cả nước, góp phần quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm tôm của tỉnh nói riêng, của vùng và cả nước nói chung.
Điều vui mừng hơn, Bạc Liêu là tỉnh đầu tiên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn là địa phương triển khai xây dựng cơ bản nuôi tôm có chuỗi sản xuất được chứng nhận an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), là bước ngoặc quan trọng giúp địa phương tiến tới mở rộng thị trường nuôi tôm an toàn dịch bệnh trên địa bàn và xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam.
Theo các chuyên gia, đây là bước tiến quan trọng cho cả ngành tôm, mở ra cơ hội lớn cho con tôm Việt Nam có được “tấm vé vàng” để gia nhập vào các thị trường nhập khẩu khắt khe nhất trên thế giới.
Theo ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, để làm được điều này, tỉnh Bạc Liêu đã và đang tập trung xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, nhằm tạo sự lan tỏa, dẫn dắt ngành thủy sản của tỉnh, của vùng và cả nước phát triển đúng hướng, hiệu quả, bền vững; chủ động công nghệ sản xuất và cung ứng giống tôm có chất lượng, lớn nhanh, sạch phục vụ trong nuôi trồng.
Theo quy hoạch, Bạc Liêu có diện tích nuôi tôm hơn 141.000 ha, tốc độ tăng bình quân 0,%/năm ở giai đoạn từ 2021- 2025. Trong đó, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 4.000 ha; nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh 26.500 ha; tôm quảng canh cải tiến kết hợp, tôm- rừng gần 70.000 ha; tôm- lúa 41.000 ha. Theo đó, Bạc Liêu quy hoạch 9 vùng nuôi trồng thủy sản và 1 vùng sản xuất con giống ứng dụng công nghệ cao với quy mô diện tích hơn 2.000 ha.
Từ quy mô sản xuất trên, Bạc Liêu ước sản lượng tôm nuôi đạt 251.000 tấn/năm, trong đó tôm sú 77.100 tấn, tôm thẻ chân trắng gần 170.000 tấn, tôm càng xanh 3.100 tấn và thu tự nhiên 6.300 tấn. Bên canh đó, sản lượng khai thác thủy sản biển và nội địa đạt 125.000 tấn; trong đó, tôm 11.000 tấn, cá và thủy sản khác 114.000 tấn…
Bạc Liêu phấn đấu đến năm 2025 kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 970 tỷ USD và thu nhập bình quân lao động thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng đạt gấp 1,5 lần so với năm 2020.
Phát triển bền vững, đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Theo ngành công thương tỉnh, Bạc Liêu là địa phương có tiềm năng và lợi thế về phát triển ngành chế biến nông thủy sản, đặc biệt là chế biến tôm xuất khẩu. Trên địa bàn có 33 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, với quy mô khá lớn và dây chuyền thiết bị hiện đại, tổng công suất khoảng 125.000 tấn thành phẩm/năm. Ước tính năm 2018, giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 606 triệu USD, tăng 14% so với năm 2017 và tăng gấp 10 lần so với năm 1997, trong đó chủ yếu là mặt hàng tôm đông lạnh.
Theo ông Trần Danh Tuyên, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu, để góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tôm của tỉnh phát triển theo hướng bền vững và đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng cao, Bạc Liêu tiếp tục tăng cường nghiên cứu thông tin, cập nhật cơ sở dữ liệu về thị trường trong nước và trên thế giới, về thị hiếu tiêu dùng, chủng loại sản phẩm, dung lượng thị trường, mức độ cạnh tranh với các nước cùng sản xuất và xuất khẩu tôm để làm cơ sở xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường tiêu thụ.
Tỉnh tiếp tục nghiên cứu xây dựng và phát triển cá trung tâm giao dịch và các trung tâm ứng dụng công nghệ cao để giới thiệu, cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm tôm nhằm minh bạch hóa thị trường; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có thể tiếp cận trực tiếp đến các hệ thông phân phối, bán lẻ và người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, tỉnh thúc đẩy đàm phán để xúc tiến thương mại, củng cố các thị trường xuất khẩu tôm truyền thống, phối hợp tháo gỡ kịp thời các rào cản để tăng xuất khẩu các sản phẩm tôm của Bạc Liêu nói riêng, Việt Nam nói chung vào các thị trường tiềm năng trong khu vực và trên thế giới; chú trọng phát triển xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc; đồng thời, tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm hoạt động kinh doanh mua bán tôm của thương nhân trên địa bàn tỉnh, ông Tuyên chia sẻ.
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, theo Kế hoạch hành động phát triển ngành tôm của tỉnh đến năm 2025, Bạc Liêu xác định phát triển thị trường bằng cách đẩy mạnh hợp tác công - tư để quảng bán sản phẩm, xây dựng thương hiệu chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tôm Bạc Liêu- Việt Nam ở các thị trường trọng điểm.
Tỉnh đẩy mạnh tuyên tuyền, phổ biến các quy định trong các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới; cũng như các quy định có liên quan tại thị trường nhập khẩu cho các doanh nghiệp, người sản xuất để nâng cao năng lực phát tiển thị trường, xây dựng chiến lược xuất khẩu, kinh doanh phù hợp.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết thêm, về tổ chức sản xuất, Bạc Liêu sẽ tiếp tục xây dựng theo tiêu chuẩn chứng nhận, đáp ứng các chứng nhận quốc tế có uy tín như Natuland, GlobalGAP, ASC, BAP, để nhanh chóng tiếp cận thị trường và đáp ứng các yêu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm tôm Việt Nam và hướng tới thị trường bền vững.
Bạc Liêu phấn đấu trong giai đoạn 2021- 2025, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu tôm hằng năm 5,28%, và đạt 970 triệu USD vào năm 2025, nhằm góp phần nâng mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 10 tỷ USD vào năm 2025, đạt mục tiêu theo kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.