Theo tiêu chuẩn muối công nghiệp, hàm lượng NaCl phải từ 98% trở lên, hàm lượng chất không tan trong nước phải dưới 0,25%. Tuy nhiên, qua phân tích, muối sản xuất tại Bà Rịa - Vũng Tàu hàm lượng NaCl chỉ đạt từ 94-97% và hàm lượng chất không tan luôn cao hơn 0,25%.
Nghề muối vẫn dựa vào lao động và phương pháp thủ công dùng sức người là chính. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN |
Để gỡ khó khăn cho nghề muối, ông Phan Xuân Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Ngãi, mong muốn Nhà nước cần tìm ra cơ chế hỗ trợ hữu hiệu, không cần hỗ trợ bằng tiền mà bằng cơ chế, chính sách hợp lý. Qua đó giúp người dân áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất muối, tăng sản lượng, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.
Nhà nước cũng cần có chính sách và đưa ra giải pháp ổn định giá muối, nếu làm được như vậy về lâu dài muối do diêm dân làm ra mới có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước.
Về vấn đề này, ông Vũ Ngọc Đăng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh ven biển, quanh năm có nắng, độ mặn của nước biển khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu khá cao, dễ kết tinh muối. Đây là điều kiện tốt cho nghề muối phát triển. Thêm nữa, nước biển theo sông Dinh, sông Cỏ May, rạch Cửa Lấp… vào đồng muối cũng rất thuận tiện. Đồng muối chỉ cách bờ biển khoảng 5-10 km.
Các xã An Ngãi, thị trấn Long Điền (huyện Long Điền); xã Long Sơn và phường 12 (TP Vũng Tàu) là những nơi có nghề muối lâu đời từ cách đây gần 2 thế kỷ. Tuy nhiên, cũng giống như các ngành nông nghiệp khác, nghề muối của Bà Rịa-Vũng Tàu cũng gặp không ít khó khăn.
Một thực tế không chỉ với những người làm muối ở Bà Rịa-Vũng Tàu mà trên cả nước, đó là diêm dân mất quá nhiều công sức bỏ ra cho một vụ làm muối khiến giá muối cứ thế đội lên. Trong khi muối ở những nước áp dụng mô hình sản xuất công nghiệp nhập về trong nước trừ tất cả chi phí đi vẫn thấp hơn muối trong nước.
Giá muối trong, ngoài nước có sự chênh lệch, điều này dẫn đến chuyện doanh nghiệp xin nhập khẩu muối. Vì với thương nhân, thấy có lãi là họ làm, là nguyên nhân khiến cho những ngày qua, muối chất thành nhiều đống cao, ứ đọng trong các kho của diêm dân.
Ông Vũ Ngọc Đăng cho rằng, để cạnh tranh với muối nước ngoài là bài toán lớn dành cho các Bộ Công Thương, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, làm thế nào để đảm bảo cho nghề của diêm dân phát triển. Các bộ cần có những chính sách giảm lượng muối nhập khẩu và có định hướng để quy hoạch sử dụng sản phẩm trong nước để kích cầu phát triển sản xuất. Tất nhiên, không thể buông xuôi đứng nhìn cảnh diêm dân đổ bao mồ hôi, công sức trên đồng ruộng nhìn giá muối rẻ như cho khi muối nhập khẩu vào Việt Nam “giết chết” hạt muối sản xuất trong nước.
Ông Đăng chia sẻ thêm, những hàng rào kỹ thuật đã được xây dựng hạn chế nhập khẩu muối để bảo hộ muối trong nước, nhờ những hàng rào kỹ thuật này mà muối kém chất lượng, rẻ như cho không còn ồ ạt nhập vào Việt Nam như trước. Nhưng về lâu về dài phải thay đổi cách làm thủ công bằng việc giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, ngành lao động, thương binh và xã hội và ngành nông nghiệp sẽ có những đề án để chuyển đổi việc làm để đảm bảo thu nhập cho bà con diêm dân và không để họ gặp khó khăn trong việc làm. Đồng thời, tận dụng việc đào tạo nghề cho họ để họ có thể ứng dụng và vận hành nghề đó tại địa phương.