Để tìm đầu ra ổn định cho nông sản Việt, hướng tới xuất khẩu bền vững, Việt Nam đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp về đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thông qua các chương trình xúc tiến thương mại số, đẩy mạnh khai thác hiệu quả những hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký với các quốc gia, vùng lãnh thổ, đặc biệt là hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á - Âu, các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, đánh giá, dự báo sản lượng hàng nông sản một cách kịp thời chính xác để giải "bài toán" hàng nông sản Việt đảm bảo cung ứng cho thị trường trong nước cũng như hướng đến xuất khẩu bền vững. Liên quan đến nội dung này, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) giới thiệu chùm 2 bài viết: "Bài toán" xuất khẩu nông sản Việt".
Bài 1: Mắt xích yếu trong chuỗi xuất khẩu
Chuỗi cung ứng, xuất khẩu hàng hóa nói chung, đặc biệt hàng nông sản bị "đứt gãy" không chỉ tại Việt Nam và trên thế giới do ảnh hưởng của dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh bình thường mới, thị trường xuất khẩu nông sản Việt Nam đang dần phục hồi sau đợt "đứt gãy", tuy nhiên, để giải "bài toán" xuất khẩu các mặt hàng nông sản Việt Nam vào những thị trường lớn và nhiều hàng rào kỹ thuật như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… không chỉ nỗ lực riêng ngành nông nghiệp mà cần có sự vào cuộc, chung tay của các ngành.
Công nghệ chiếu xạ - mắt xích trong chuỗi cung ứng, xuất khẩu hàng nông sản
Để tiếp sức, hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân phục hồi, góp phần phát triển bền vững ngành nông nghiệp, thời gian qua, ngành khoa học và công nghệ đã "đồng hành", từng bước đẩy mạnh triển khai, ứng dụng khoa học công nghệ trong xuất khẩu hàng nông sản.
Ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhấn mạnh: Sau rất nhiều năm kiên trì đưa kỹ thuật hạt nhân vào ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đến nay, trong xuất khẩu nông sản Việt, doanh nghiệp và người dân đã biết đến giá trị của công nghệ chiếu xạ. Quá trình chiếu bức xạ ion hóa lên sản phẩm để diệt trừ các mầm bệnh, sinh vật tồn dư, giúp sản phẩm hàng hóa tránh được côn trùng nấm mốc, vi khuẩn mà không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và không để lại di chứng phóng xạ, bảo quản sản phẩm khỏi nguy cơ nhiễm bệnh, ngăn chặn sự lây lan của các loài sinh vật xâm hại. Có thể nói, trong bối cảnh đi tìm đầu ra ổn định cho nông sản Việt Nam, công nghệ chiếu xạ là một "mắt xích" trong chuỗi cung ứng và xuất khẩu hàng nông sản nhưng "mắt xích" này khá quan trọng trong xuất khẩu bởi nhiều thị trường nhập khẩu không chấp nhận khi sản phẩm hàng hóa không được chiếu xạ.
Thời gian qua, công nghệ "chiếu xạ" đã được đẩy mạnh đầu tư để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đẩy mạnh xuất khẩu nhưng vấn đề chiếu xạ nông sản đang "vướng" khi vừa "thừa" lại vừa "thiếu. Tại Hà Nội, Viện Năng lượng nguyên tử đã thực hiện dự án "Nâng cấp cơ sở hạ tầng Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội phục vụ chiếu xạ kiểm dịch quả tươi xuất khẩu" từ năm 2016. Sau khi hoàn thành dự án, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã có được hệ thống kho lạnh đầu vào và đầu ra đảm bảo chất lượng quả tươi trước và sau khi xử lý, đồng thời, dây chuyền chiếu xạ, hệ thống giá treo được nâng cấp để có thể xử lý trên 200 tấn quả mỗi ngày. Tuy nhiên, sau khi dự án hoàn thành vẫn không đáp ứng được nhu cầu "chiếu xạ" cho sản phẩm nông sản xuất khẩu. Thực tế hiện nay, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội mới chỉ được Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Australia kiểm định, đánh giá năng lực. Các sản phẩm nông nghiệp do Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội chiếu xạ mới chỉ được Australia chấp nhận và vào được thị trường Australia với các sản phẩm như: Vải, xoài và nhãn... Các thị trường khác và nhiều quốc gia nhập khẩu vẫn "vướng", chưa thể giải "bài toán" xuất khẩu.
Về vấn đề này, ông Đặng Quang Thiệu, Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (Viện Năng lượng nguyên tử) cho biết: Mỗi một loại sản phẩm hàng hóa đều có những phân bố liều lượng chiếu xạ và thời gian chiếu xạ phù hợp. Các mức liều và thời gian đều phải đáp ứng các hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn hàng hóa, các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật liên quan đến an toàn thực phẩm mà quốc gia nhập khẩu sản phẩm đặt ra. Để xác định các tiêu chuẩn liên quan của quốc gia nhập khẩu không khó, chỉ cần Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội được nâng cấp cơ sở vật chất, nhưng Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội gặp "vướng" khi không có kinh phí thực hiện để quốc gia nhập khẩu chấp nhận. Điển hình, để hoa quả tươi của Việt Nam do Trung tâm chiếu xạ Hà Nội "chiếu xạ" vào được thị trường Mỹ, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội phải được Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) kiểm định và cấp phép. Tuy nhiên, để được APHIS kiểm định và cấp phép thì cần kinh phí để mời chuyên gia của APHIS từ Mỹ tới kiểm định cơ sở vật chất, xem xét có đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn như đã nộp hồ sơ đăng ký hay không và khoản kinh phí này "rất lớn", đây là "nút thắt" chưa thể gỡ của Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội.
Chi phí lớn - rào cản nông sản đi xa
Trước thực tế về yêu cầu "chiếu xạ" sản phẩm nông sản của nước nhập khẩu, các sản phẩm nông sản chiếu xạ xuất khẩu tại phía Bắc đang gặp "vướng" khi muốn xuất khẩu sang thị trường Mỹ hay thị trường tương tự phải đưa vào miền Nam chiếu xạ, đã dẫn tới việc tăng thời gian vận chuyển, tăng chí phí và các khâu trung gian thu gom thường "ép" giá tại vườn của người nông dân. Đây luôn là những trăn trở xoay quanh công nghệ chiếu xạ, khiến những người làm trong ngành năng lượng nguyên tử không khỏi ưu tư, ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử chia sẻ.
Tại hội nghị đối thoại trực tiếp giữa Thủ tướng Chính phủ với nông dân mới diễn ra có chủ đề "Tiếp sức, hỗ trợ nông dân phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững", đại diện các địa phương phía bắc nêu ra thực tế về việc Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường "khó tính". Nhưng người nông dân, doanh nghiệp lại gặp "vướng khi sản phẩm nông sản phải đi xa để chiếu xạ, kéo theo chi phí, giá thành tăng cao... Vì vậy, Chính phủ cần có giải pháp để hỗ trợ xuất khẩu, chỉ đạo các bộ, ngành, đơn vị xây dựng các nhà máy chiếu xạ tại địa phương hoặc gỡ "vướng" để Trung tâm chiếu xạ Hà Nội có thể hỗ trợ nông dân trong xuất khẩu nông sản.
Thực tế, vấn đề công nghệ chiếu xạ chỉ là một "mắt xích" trong cả một chuỗi công việc cần thiết để sản phẩm nông nghiệp có thể đảm bảo tiêu chí xuất khẩu. "Mắt xích" này đang yếu nhưng có vai trò quan trọng trong xuất khẩu. Bài toán đặt ra trong vấn đề chiếu xạ không chỉ phụ thuộc vào công nghệ mà còn phụ thuộc vào chất lượng, số lượng nông sản khi đi xa chiếu xạ. Bởi số lượng càng lớn thì chi phí chiếu xạ càng thấp. Do đó số lượng nông sản chiếu xạ tác động rất lớn đến giá thành. Tại khu vực phía bắc, sản xuất hàng hóa mang tính thời vụ nên việc chiếu xạ mỗi lần chỉ một lô xoài, 1 lô vải... Số lượng quá ít so với công suất thực tế của Trung tâm chiếu xạ thực hiện tại Hà Nội hay địa phương phía bắc, kéo theo chi phí cao hơn việc vận chuyển vào miền Nam chiếu xạ bởi trong đó đặc thù sản xuất hàng hóa nên việc chiếu xạ thực hiện quanh năm với sản lượng lớn.
Trong tháng 6/2022, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra phương án giám sát xử lý vải xuất khẩu của niên vụ 2022 trong điều kiện dịch COVID-19, đánh giá, dự báo tình hình một cách kịp thời chính xác; tìm giải pháp ổn định sản xuất và cung ứng cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu; tập trung đẩy mạnh xuất khẩu, chiếu xạ vải thiều vào thị trường Nhật Bản, sau khi vải thiều Lục Ngạn chính thức được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng: Để doanh nghiệp không tốn thêm chi phí vận chuyển, bảo quản, lưu kho… làm ảnh hưởng tới tính cạnh tranh của sản phẩm nông sản xuất khẩu khu vực phía bắc, các địa phương phía bắc như Sơn La, Bắc Giang... cần có một quá trình chuẩn bị cho cả chuỗi giá trị nông sản, tăng số lượng một lần chiếu xạ để chi phí chiếu xạ thấp.
Bài cuối: Hướng tới hoàn thiện chuỗi sản xuất