Trước đó, Việt Nam đứng thứ 9 trong trong bảng xếp hạng Quốc gia số 2020 do công ty tư vấn chiến lược đầu tư Tholons (Mỹ) xếp hạng. Năm 2019, hãng tư vấn hàng đầu thế giới AT Kearrny đã xếp Việt Nam vào danh sách 5 điểm đến hấp dẫn nhất cho gia công công nghệ thông tin, trong khi Gartner - công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ của Mỹ - coi Việt Nam là địa điểm gia công phần mềm ra nước ngoài mới nổi hàng đầu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trong bài viết trên trang mạng intelligentcio.com của Anh ngày 12/10, ông Naidu lưu ý lãnh đạo các doanh nghiệp tại Việt Nam đang xem xét tất cả các mô hình kinh doanh và nguồn nhân lực để có được những gì họ cần, đặc biệt là trong những lĩnh vực công nghệ mới nổi. Việt Nam đã tiếp nhận tối đa sự chuyển dịch này và vươn lên mạnh mẽ hơn trong nền kinh tế giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành với một tầm nhìn và khả năng sẵn sàng thích ứng nhanh.
Bài viết dự báo lĩnh vực gia công phần mềm sẽ bùng nổ ở Việt Nam khi vị thế của Việt Nam ngày càng nâng cao với tư cách là điểm đến phát triển công nghệ thông tin. Trong những năm gần đây, ngành này của Việt Nam đã tăng hạng trong chuỗi giá trị và tạo ra nhiều công việc có giá trị gia tăng hơn.
Bài báo cho biết Tập đoàn FPT Software của Việt Nam đang đầu tư mở rộng xuyên lục địa, với châu Âu là mục tiêu đầu tiên cho cam kết vốn trị giá 100 triệu USD. Công ty phần mềm này đã thiết lập vị thế tại thị trường các nước thành viên Liên minh EU và Anh, có khách hàng toàn cầu đầu tiên hơn 20 năm trước. Sau khi ghi nhận tăng trưởng ổn định tại thị trường châu Âu, FPT chuyển trọng tâm và quỹ đạo phát triển sang Nhật Bản và Mỹ, đạt doanh thu hàng trăm triệu USD mỗi năm. Trọng tâm hiện nay đã quay trở lại Anh và châu Âu, nơi rất cần các dự án đổi mới và chuyển đổi kỹ thuật số.
Theo tác giả bài viết, Việt Nam đang đối mặt với thách thức về phát triển lực lượng lao động kỹ thuật số tăng thêm 190.000 kỹ sư công nghệ thông tin vào cuối năm 2021. Cùng với đó là thách thức về chuyên môn kỹ thuật số. Lợi thế của Việt Nam là hệ thống giáo dục kỹ thuật số phát triển mạnh. Hiện tại, Việt Nam có 236 trường đại học, trong đó có 149 trường đang đào tạo các chuyên gia công nghệ thông tin, mỗi năm cung cấp hơn 50.000 kỹ sư ngành này cho thị trường lao động. Điều này đưa Việt Nam vào danh sách 10 nước đứng đầu thế giới về số lượng sinh viên theo học ngành công nghệ thông tin.
Bài viết cũng nhấn mạnh Việt Nam sở hữu những nguồn nhân lực trẻ, tài năng cùng một nền văn hóa thúc đẩy sự đổi mới và đang nhanh chóng trở thành trung tâm công nghệ, là nền tảng vững chắc cho tương lai kỹ thuật số ở Việt Nam.