Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, tờ Infobae mới đây đã đăng bài viết nhà chuyên gia kinh tế nổi tiếng Damián Di Pace sau chuyến thăm Việt Nam, trong đó đánh giá cao đóng góp của doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Bài báo nhấn mạnh mô hình kinh tế thị trường dưới sự quản lý của nhà nước đã thúc đẩy hoạt động của các công ty và doanh nghiệp tư nhân, cũng như thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong giai đoạn 1990-1997, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng bình quân 8%/năm và giai đoạn 1999-2022, tăng trưởng bình quân đạt 7%/năm. Với mức tăng trưởng "thần kỳ" này, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới.
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam tuân thủ cả hai nguyên tắc: chú trọng tăng trưởng kinh tế và luôn quan tâm tới các vấn đề xã hội. Việt Nam nỗ lực xây dựng hệ thống an sinh xã hội và dịch vụ công tốt, bảo đảm công bằng, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và tiến tới xóa đói giảm nghèo, theo Infobae.
Tờ báo dẫn báo cáo của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), theo đó chỉ trong 10 năm, tỷ lệ người nghèo ở Việt Nam giảm từ 18,1% vào năm 2012 xuống chỉ còn 4,4% vào năm 2021. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 96 USD vào năm 1989 lên 4.163 USD ở thời điểm hiện nay, một trong những mức tăng cao nhất trên thế giới.
Trong quá trình này, SMEs đóng vai trò then chốt, đặc biệt về chuyển đổi cơ cấu với kết quả đạt được đó là chuyển dịch năng suất lao động từ mức thấp lên mức cao. Đổi mới đã đem lại sự lớn mạnh của SMEs, mà ngày nay chiếm tới 95% số doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam, chiếm một nửa lực lượng lao động sản xuất và đóng góp 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Kinh tế Việt Nam tập trung vào các hoạt động xuất khẩu. Kỹ năng quản lý tại doanh nghiệp Việt Nam đạt chất lượng tương đương các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ.
Infobae nhấn mạnh sự quan tâm và các chính sách hỗ trợ phát triển của Nhà nước với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như vai trò của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam có định hướng phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, tập trung vào các lĩnh vực như may mặc, da giày, điện tử, xe hơi, máy móc và công nghệ cao, với nhiều chính sách tài chính và thuế hỗ trợ SMEs trong nước phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Infobae dẫn dự báo tăng trưởng do công ty tư vấn PwC thực hiện, theo đó Việt Nam, Ấn Độ và Bangladesh là 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất từ nay tới năm 2050 trên thế giới, với mức 5%/năm.
Đề cập tới quan hệ với Argentina, tờ báo nhấn mạnh Việt Nam là bạn hàng thương mại quan trọng của quốc gia Nam Mỹ. Trong năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 5,3 tấn nông sản của Argentina.
Bên cạnh đó, tờ báo cũng đề cập tới những thách thức mà Việt Nam sẽ phải giải quyết trong quá trình phát triển kinh tế như bộ máy hành chính nhà nước cồng kềnh, quan liêu, nạn tham nhũng, giáo dục thiếu tính thực hành, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào danh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, giá thuê văn phòng đắt và thiếu lực lượng lao động có tay nghề cao.