Báo Nam Phi ca ngợi chính sách đầu tư nước ngoài của Việt Nam

Tạp chí Diplomtic Society của Nam Phi đưa tin bài ca ngợi về thu hút đầu tư của Việt Nam với tên gọi "Việt Nam có tiềm năng lớn về thu hút vốn đầu tư nước ngoài."

Tạp chí Diplomtic Society của Nam Phi đưa tin bài ca ngợi về thu hút đầu tư của Việt Nam


Bài báo cho rằng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn chiếm một vị trí quan trọng trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại của Việt Nam. Với nhiều lợi thế so sánh và một môi trường đầu tư thông thoáng, Việt Nam đang có nhiều nỗ lực để thu hút hơn nữa đầu tư nước ngoài. Hướng tới điều này, chính phủ Việt Nam đang thực hiện những cải cách mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh, công nhận FDI là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế và là nhân tố không thể thiếu đối với công cuộc cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.


Số dự án FDI được cấp phép tại Việt Nam tính đến tháng 7/2014 lên tới 17.000 với tổng vốn đăng ký là 240 tỷ USD (vốn FDI chỉ tính riêng trong tháng 9/2014 đã đạt 10 tỷ USD). Việt Nam đã và đang thu hút nhà đầu tư từ hơn 100 nước và vùng lãnh thổ, trong đó 16 nước và vùng lãnh thổ có vốn đăng ký hơn 1 tỷ USD. Tất cả 63 tỉnh, thành trên cả nước đều có dự án đầu tư FDI, trong đó 27 tỉnh thành có mức vốn đăng ký hơn 1 tỷ USD. Khu vực FDI hiện chiếm hơn 18% GDP, 46,3% giá trị sản lượng công nghiệp (ở mức giá hiện hành), và 66,2% giá trị xuất khẩu cả nước, tạo hơn 1,7 triệu việc làm.


Vậy điều gì đã làm nên câu chuyện thành công của Việt Nam? Bài báo cho rằng: Trước hết, Việt Nam đã duy trì được ổn định chính trị-xã hội và được đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động nhất thế giới. Mức độ tăng trưởng hàng năm được duy trì ở mức cao 7,5% trong giai đoạn 1991-2010. Bất chấp những khó khăn trong giai đoạn 2011-2013, mức độ tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn đạt 5,6%. Theo dự đoán của giới đầu tư thế giới, xu hướng tăng trưởng cao sẽ tiếp tục trong năm 2014-2015 và những năm tiếp theo.

Thứ hai, Việt Nam đang trong giai đoạn vàng về cơ cấu dân số, với số người ở độ tuổi lao động chiếm 60% dân số cả nước. Việt Nam cũng nằm ở vị trí thuận lợi giữa trung tâm khu vực Đông Á với nhiều nền kinh tế lớn, năng động xung quanh. Nền kinh tế Việt Nam được công nhận là kinh tế thị trường. Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và tham gia ký kết nhiều hiệp định khung về hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có nhiều hiệp định tự do thương mại với các đối tác trong và ngoài khu vực. Đặc biệt, Việt Nam đang tham gia các vòng đàm phán để tiến tới ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tất cả những nhân tố này đã và đang góp phần tạo nên sức thu hút của Việt Nam trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài.


Thứ ba, chính phủ Việt Nam cam kết sẽ dành cho các nhà đầu tư nước ngoài một môi trường kinh doanh bình đẳng và hấp dẫn. Thực tế là hệ thống pháp luật, chính sách và thể chế điều chỉnh hoạt động đầu tư, kinh doanh liên tục được cải thiện. Chính phủ Việt Nam rất quan tâm thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế và hình mẫu phát triển, không ngừng nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.


Không chỉ dừng lại ở đó, chính phủ Việt Nam không ngừng kích thích đầu tư, kinh doanh thông qua các sáng kiến như “ba đột phá chiến lược”, gồm: hoàn thiện các thể chế và khung pháp lý của nền kinh tế thị trường; xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại và đồng bộ, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông vận tải; và phát triển lực lượng lao động có tay nghề, chất lượng cao; dự kiến hoàn thành trước năm 2020.


Chính phủ Việt Nam quyết tâm thực hiện bằng được các cam kết quốc tế đã ký kết cũng như thúc đẩy đàm phán đi đến ký kết thế hệ hiệp định tự do thương mại mới. Chính phủ Việt Nam coi thành công của các doanh nghiệp, nhà đầu tư FDI như thành công của chính mình. Do đó, chính phủ Việt nam cam kết sẽ tiếp tục đảm bảo một môi trường chính trị-xã hội ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư cũng như tạo môi trường đầu tư thông thoáng.


Việt Nam sẽ tiếp tục các nỗ lực trung hạn và dài hạn nhằm thu hút hơn nữa và sử dụng hiệu quả hơn nữa luồng vốn đầu tư FDI cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Xu hướng sẽ tập trung thu hút vốn FDI “chất lượng cao”, chú trọng các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và có chiến lược sử dụng tài nguyên một cách bền vững. Việt Nam cũng sẽ ưu tiên các dự án tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh, có thể tham gia bình đẳng trong mạng lưới sản xuất và các tiêu chuẩn giá trị quốc tế.


Theo dự đoán của giới đầu tư nước ngoài, luồng vốn FDI đang có xu hướng quay trở lại các nền kinh tế năng động trong bối cảnh kinh tế thế giới dần hồi phục. Với những triển vọng sáng sủa của nền kinh tế thế giới, khu vực, chắc chắn Việt Nam sẽ tiếp tục gặt hái những thành công mới trong lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài.


Toàn Trí

Khơi nguồn vốn đầu tư, tăng cường quản lý nhà công vụ
Khơi nguồn vốn đầu tư, tăng cường quản lý nhà công vụ

Đóng góp nhiều ý kiến về Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi), các đại biểu tại phiên họp thứ 30 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII hướng tới khơi thông các điều kiện cho sản xuất kinh doanh phát triển, đồng thời góp phần minh bạch hóa công tác quản lý nhà ở...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN