Bảo vệ môi trườngTheo các nhà chuyên môn, lượng khí thải từ các phương tiện giao thông ở các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đã vượt ngưỡng cho phép, có nơi mức độ ô nhiễm không khí đã cao gấp 5 - 6 lần so với tiêu chuẩn. Vì vậy, việc các phương tiện vận tải hành khách công cộng sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện môi trường đang là hướng đi đúng đắn được nhiều người ủng hộ.
Việc đưa vào sử dụng xe buýt CNG sẽ giúp bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi phí nhiên liệu. Ảnh: Hoàng Tuyết |
Được xem là địa phương đi đầu trong cả nước sử dụng xe buýt chạy bằng nhiên liệu khí gas thiên nhiên CNG thay thế động cơ chạy dầu diezel, từ năm 2011 lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã cho phép Tổng công ty SAMCO thí điểm đầu tư mới 21 xe buýt CNG nhập khẩu từ Hàn Quốc để khai thác trên tuyến buýt Bến Thành - Bình Tây. Đến nay, việc thử nghiệm này đã cho kết quả khả quan. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Bích Hằng, Trường Đại học Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, kết quả khảo sát tiêu hao nhiên liệu khí cho thấy xe buýt CNG tiết kiệm 23% chi phí cho nhiên liệu so với xe chạy dầu diezel, giảm lượng khí CO2, không có bụi và khói đen, giảm tiếng ồn và rung động. Đặc biệt, sau một năm chạy thử nghiệm, 3 xe buýt CNG được khảo sát đã tiết kiệm hơn 2 tỷ đồng so với xe chạy bằng dầu cùng cự ly.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, cho biết kết quả khảo sát đã cho số liệu hết sức khả quan, phù hợp với tính toán lý thuyết, số liệu thống kê của các nước trên thế giới đã sử dụng xe CNG. “Như vậy, việc sử dụng nhiên liệu CNG cho xe buýt có ý nghĩa thực tiễn và tính khả thi cao trong điều kiện hiện có của thành phố. Điều này còn mang tính thời sự cấp thiết, khi việc sử dụng nhiên liệu CNG cho xe buýt thành công thì thị trường xe buýt CNG sẽ lớn mạnh, công nghệ sản xuất, lắp ráp, bảo dưỡng, sửa chữa cũng phát triển nhanh chóng, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao”, ông Minh cho biết.
Tổng công ty SAMCO là đơn vị thí điểm thành công xe buýt CNG. Ảnh: An Hiếu-TTXVN
|
Trong khi đó, đại diện Công ty CP Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam, cho biết khí CNG là khí thiên nhiên nén mà nước ta đã khai thác và sản xuất được (do Tổng công ty khí Việt Nam (PV Gas) phân phối). Khi đốt nhiên liệu này không làm phát sinh nhiều khí độc và hầu như không phát sinh bụi. Vì vậy, nó là nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường. Ngoài ra, CNG còn nhiều ưu điểm khác như tính an toàn cao hơn, giảm hao mòn động cơ nên giúp tiết giảm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa. Giá CNG cung cấp cho giao thông vận tải hiện rẻ hơn rất nhiều so với giá xăng, dầu nên cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tại TP Hồ Chí Minh, hiện có khoảng 2.700 xe buýt hoạt động trên 136 tuyến đường, vận chuyển khoảng 1 triệu lượt hành khách/ngày. Đa số các xe đều là xe sử dụng dầu diezel được đầu tư trong giai đoạn 2002 - 2005 nay đã xuống cấp và có tiêu chuẩn khí thải rất thấp. “Với quyết tâm xây dựng một thành phố xanh, sạch, đẹp, UBND TP cũng đã phê duyệt đề án sản xuất 300 xe buýt CNG để thay thế dần các xe buýt hư hỏng, xuống cấp. Đến nay, thành phố đã có khoảng 201 xe buýt CNG chạy trên 5 tuyến. Mặt khác, những loại xe buýt này sẽ giúp thành phố bảo vệ môi trường, hướng đến việc xây dựng hệ thống giao thông xanh tại thành phố chúng ta”, ông Minh cho biết thêm.
Cần hỗ trợ thêm từ Nhà nướcLợi ích của việc sử dụng xe buýt sử dụng khí CNG đã khá rõ ràng, tuy nhiên muốn đầu tư phát triển loại hình phương tiện vận tải này lại là bài toán khó với các doanh nghiệp vận tải. Bởi không ít doanh nghiệp đang thiếu vốn và thiếu nguồn cung nguyên liệu CNG.
Theo đó, mặc dù Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai đã 5 năm nghiên cứu, xây dựng đề án xin đầu tư 550 xe CNG, nhưng sau 2 lần trình UBND tỉnh, đến nay vẫn chưa có kết quả. Trong khi đó, nhu cầu đi xe buýt ở tỉnh này không nhỏ, toàn tỉnh có 24 tuyến xe buýt với khoảng 400 xe, một ngày chạy khoảng 1.500 chuyến với đối tượng phục vụ chủ yếu là học sinh, sinh viên và công nhân.
Theo ông Trần Văn Quan, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai, giá đầu tư cho một chiếc xe buýt chạy CNG mới quá cao so với khả năng của doanh nghiệp địa phương. “Chẳng hạn như xe của hãng Huyndai gần 5 tỷ đồng/xe, SAMCO khoảng 3 tỷ đồng/xe... Nói thực khoảng 1,5 tỷ đồng/xe thì chúng tôi mới có thể làm, ngược lại không có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước thì thua. Cũng vì khó khăn nên dù trình UBND tỉnh 2 lần đến nay chúng tôi vẫn chưa được giải quyết”, ông Quan cho biết.
Tại TP Hồ Chí Minh, để đầu tư nhân rộng loại hình xe buýt CNG, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cũng đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành chính sách hỗ trợ về vốn đầu tư đổi mới xe buýt (Nhà nước hỗ trợ 70% vốn vay với lãi suất ưu đãi). Tuy nhiên, những hỗ trợ này vẫn chưa tạo được sự đột phá để doanh nghiệp mạnh dạn chuyển đổi, đầu tư phát triển hệ thống xe buýt CNG. “Các chính sách đang nằm ở cấp sở, chưa đi ra khỏi thành phố tới Trung ương, vì thế chúng tôi mới chỉ được nghe hứa trợ giá 50%. Ngay cả lãi suất ưu đãi, sau một năm hoạt động mới được hưởng, bù vào không đủ lãi của vốn bỏ ra. Tính ra mỗi tháng, xe này phải thu nhập từ 35 triệu trở lên mới đủ trả lãi ngân hàng, kéo dài trong vòng 7 năm thì làm sao doanh nghiệp dám làm”, ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã vận tải TP Hồ Chí Minh, phân tích.
Bên cạnh việc doanh nghiệp cần Nhà nước hỗ trợ về vốn để đầu tư mới, nhiều doanh nghiệp vận tải cũng tỏ ra băn khoăn về các trạm cung cấp nhiên liệu CNG nếu nhân rộng loại hình xe buýt này. Tuy nhiên, đại diện Công ty CP Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam cho biết, ngoài nguồn cung từ trữ lượng khí thiên nhiên của Việt Nam vào khoảng 2,694 tỷ m3 thì còn có các dự án nhập khẩu khí nên nguồn nhiên liệu cung cấp cho buýt CNG được xem là ổn định trong khoảng 100 năm. Hiện nay, đơn vị này đã có 9 trạm cung cấp nhiên liệu tại Bà Rịa - Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh và trong năm 2016, công ty sẽ đầu tư thêm một trạm tại bến xe quận 8 và nâng công suất 2 trạm khác tại Đại học Quốc gia (Thủ Đức) và trạm Phổ Quang (Phú Nhuận). Về dài hạn, đơn vị sẽ đầu tư các trạm mới phù hợp tình hình thực tế và nhu cầu của khách hàng.