Có thể nói, sâm Ngọc Linh được xem là “miếng bánh” để các công ty làm ăn không chân chính “đánh” vào tâm lý người tiêu dùng nhằm trục lợi. Đến nay, các sản phẩm, cửa hàng sâm Ngọc Linh hình thành rất nhiều nơi, khiến người tiêu dùng không biết thật, giả để lựa chọn.
Cụ thể, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng, Công ty cổ phần rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum, một thành viên của Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam đã dùng giấy xác nhận (bản photo) bị thu hồi nhằm “qua mặt” Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) để đăng ký bản công bố sản phẩm bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông khẳng định giấy xác nhận trên đã bị huyện thu hồi từ cuối năm 2022. Lý do, Công ty cổ phần rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum không có liên kết trồng sâm với người dân trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông. Tại huyện Tu Mơ Rông, Công ty cổ phần rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum có triển khai dự án nuôi cấy mô sâm Ngọc Linh ở xã Ngọk Lây. Đến nay, chưa có kết quả công bố dự án thí điểm nuôi cấy mô sâm Ngọc Linh có thành công hay không, cây sâm nuôi cấy mô cũng chưa thu hoạch được. Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam chưa trồng được cây sâm nào nhưng thời gian qua liên tục mở các cửa hàng, đại lý bán sâm Ngọc Linh ở rất nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Công ty có tham vọng mở 300 cửa hàng trên toàn quốc.
Tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh thường xuyên quảng cáo, giới thiệu với nhà đầu tư, khách hàng về hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm liên quan đến sâm Ngọc Linh. Để phục vụ công tác nắm tình hình, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong hoạt động của công ty, Công an quận Cầu Giấy đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông (Kon Tum) cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến thủ tục pháp lý, hoạt động trồng, sản xuất các sản phẩm sâm Ngọc Linh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh, Hợp tác xã nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông do bà Phạm Mỹ Hạnh là người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã (số 1959/CACG-CSKT). Trả lời văn bản trên, huyện Kon Plông khẳng định việc trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Kon Tum chỉ thực hiện ở các xã được cấp chỉ dẫn địa lý thuộc 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei. Tại huyện Kon Plông chưa triển khai trồng sâm Ngọc Linh và dự án của Nông trại hữu cơ của Hợp tác xã nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông không có nội dung đầu tư trồng sâm Ngọc Linh (số 971/UBND-TCKH ngày 13/7).
Đây là 2 đơn vị cá biệt nhất, gắn mác công ty, tập đoàn chuyên về trồng sâm, làm công tác truyền thông mạnh, thường xuyên quảng bá giới thiệu vườn sâm khủng được trồng ở Kon Tum, nhưng thực tế chưa trồng được cây sâm Ngọc Linh nào. Việc quảng bá, giới thiệu chỉ nhằm trục lợi người tiêu dùng, nhà đầu tư từ Quốc bảo sâm Ngọc Linh.
Tại huyện Tu Mơ Rông, thủ phủ sâm Ngọc Linh ở Kon Tum đã có nhiều cách làm hay nhằm ngăn chặn việc mua bán sâm củ giả sâm Ngọc Linh. Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông cho biết: Để ngăn chặn tình trạng trên, huyện đã chủ động rà soát, thống kê các tổ chức, cá nhân sở hữu vườn sâm hay tham gia liên kết trồng sâm với dân. Danh sách trên được huyện công khai. Huyện Tu Mơ Rông xác định bảo vệ thương hiệu Quốc bảo sâm Ngọc Linh là việc thường xuyên, liên tục. Tại các phiên chợ sâm, huyện thành lập tổ kiểm định, lấy mẫu sâm đi xét nghiệm. Ngoài ra, huyện Tu Mơ Rông cũng phối hợp tốt với các lực lượng chức năng ngăn chặn rất nhiều vụ vận chuyển, mua bán, chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Nhiều vụ việc đã được phát hiện, góp phần ngăn chặn tình trạng đưa sâm củ giống Ngọc Linh trà trộn lên Tu Mơ Rông để “đội lốt” sâm Ngọc Linh bán ra thị trường.
Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum cũng đã hoàn thành việc đầu tư, mua sắm máy móc kiểm định chất lượng sâm Ngọc Linh. Hệ thống này sẽ tách chiết, kiểm tra AND, kiểm định thành phần hoạt chất Saponin sâm Ngọc Linh. Đây là bước tiến quan trọng giúp lực lượng chức năng chủ động hơn trong việc ngăn chặn một số cá nhân, doanh nghiệp dùng sâm giống sâm Ngọc Linh để trục lợi người tiêu dùng.