Từ đầu năm 2015, Chính phủ đã miễn thuế VAT 5% cho mặt hàng này, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn viện ra nhiều lý do để không giảm giá thức ăn chăn nuôi hoặc chỉ giảm lấy lệ.
Thức ăn chăn nuôi bị làm giá
Khảo sát của ngành chức năng cho thấy, đầu năm 2015 giá cả nhập khẩu của nhiều loại nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi (TACN) đã giảm so với cùng kỳ năm 2014. Cụ thể, khô dầu đậu tương giảm gần 30%, ngô hạt giảm 15%, cám gạo giảm khoảng 7%... Giá đầu vào giảm cộng thêm nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhưng bất hợp lý là giá TACN đến tay người chăn nuôi lại giảm chưa tương xứng.
Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao bất hợp lý đang góp phần làm hạn chế lợi nhuận của nhà nông. |
“Dù giá TACN đã giảm theo chiều hướng có lợi cho nhà nông nhưng vẫn cao hơn khoảng 20 - 30% so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia... Trong khi đó, nhập khẩu nguyên liệu TACN lại đang tăng từ 14 - 17%. Ước tính, năm 2015 Việt Nam cần khoảng 18 - 20 triệu tấn TACN, với doanh thu toàn thị trường là 6 tỉ USD”, ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam nhận xét.
Hiện cả nước có 239 nhà máy chế biến TACN, trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm khoảng 25%. Tuy nhiên, nguồn cung TACN của các doanh nghiệp ngoại lại đang chiếm tỷ lệ khống chế thị trường. Theo ông Lịch, hầu hết các doanh nghiệp ngoại khi đầu tư chế biến TACN vào Việt Nam đều có chiến lược kinh doanh bài bản theo trình tự: cung cấp thức ăn, con giống, tiếp theo là lập trang trại chăn nuôi, xây dựng nhà máy chế biến và mạng lưới phân phối... tạo thành chuỗi khép kín nên khả năng khống chế thị trường rất cao. Hiện thị trường TACN đang bị điều khiển bởi một số ít doanh nghiệp ngoại. Các doanh nghiệp này đã dựa vào hệ thống phân phối để khống chế về giá bán nhằm chi phối thị trường.
“Trung bình mỗi kg TACN cho thủy sản được bán tại nhà máy chỉ với giá từ 28.000 -30.000 đồng nhưng đến tay nhà nông chúng tôi thường bị người bán đội thêm ít nhất khoảng 5.000 đồng. Giá TACN thường chiếm tới 70% giá thành sản phẩm chăn nuôi nên việc giá TACN cao ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận của người nông dân”, anh Nguyễn Văn Hải ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp) cho biết.
Giảm phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu
Theo tính toán của ngành chức năng, tổng giá trị chăn nuôi của thị trường Việt Nam vào khoảng 8 tỷ USD, trong đó chi phí cho TACN đã chiếm hơn 2/3. Riêng các doanh nghiệp sản xuất TACN nhập nguyên liệu chế biến đã chiếm gần 40%. “Nhà nước cần có quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất TACN, cũng như có chính sách thu hút doanh nghiệp trong nước đầu tư, nghiên cứu, sản xuất TACN để chủ động nguồn nguyên liệu trong nước”, ông Lịch cho hay.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất TACN cho rằng, để giảm giá thành sản xuất TACN và từng bước giảm sự lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập ngoại, doanh nghiệp sản xuất TACN cần tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu dồi dào tại chỗ như lúa gạo, sắn... Các doanh nghiệp phải tăng cường đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng hiện đại, tổ chức lại sản xuất nhằm từng bước giảm chi phí sản xuất cũng như có các bước đi thích hợp nhằm liên kết với nhau tạo được động lực phát triển bền vững.
Ngoài ra, Chính phủ cần sớm có những chính sách cụ thể, ưu đãi phát triển vùng nguyên liệu, cũng như nâng cao vai trò của doanh nghiệp chế biến TACN, làm cầu nối, ký kết hợp đồng tiêu thụ giúp nhà nông yên tâm sản xuất. Dựa trên thế mạnh về sản xuất lúa gạo, chế biến thủy sản, điều kiện tự nhiên, các doanh nghiệp chế biến TACN cần có kế hoạch thay thế nguyên liệu nhập khẩu bằng nguồn sản xuất trong nước hoặc tập trung nghiên cứu những công thức phối trộn thức ăn phù hợp điều kiện thực tế...