Bất chấp dịch COVID-19, xuất khẩu sang Indonesia vẫn tăng mạnh

Được đánh giá là thị trường xuất khẩu hàng hoá hàng đầu của Việt Nam trong khối ASEAN, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia luôn tăng trưởng mạnh ngay cả trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Không chỉ trong hoạt động thương mại mà ngay cả lĩnh vực đầu tư của thị trường này cũng có nhiều khởi sắc đáng kể.

Chú thích ảnh
Sản xuất hàng may mặc tại Xí nghiệp Sơ mi, Veston của Tổng Công ty May 10 tại Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội - một đơn vị của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN

Thống kê cho thấy, trong 8 tháng năm 2021 xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia đạt giá trị kim ngạch 2,51 tỷ USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2020. Các chuyên gia thương mại cho rằng: Bên cạnh yếu tố giá hàng hóa quốc tế tăng cao còn cho thấy nhu cầu nhập khẩu của Indonesia cũng đang dần hồi phục.

Điều này có thể nhận thấy, qua việc 10 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong 8 tháng năm 2021 sang Indonesia với tổng giá trị kim ngạch đạt 1,81 tỷ USD, chiếm 72% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thì có 8/10 nhóm hàng có giá trị kim ngạch tăng trưởng.

Cụ thể, ở nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với mức tăng 127,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt giá trị kim ngạch là 328, triệu USD. Tiếp đến là chất dẻo nguyên liệu, xơ, sợi dệt các loại với các mức tăng và giá trị kim ngạch tương ứng là 107,5%, đạt 201,93 triệu USD và 91,2%, đạt 78,43 triệu USD.

Hai nhóm hàng có giá trị kim ngạch sụt giảm gồm máy móc, thiết bị, phụ tùng khác giảm 14,4% đạt kim ngạch 163,18 triệu USD và điện thoại các loại và linh kiện giảm 10,9% với giá trị kim ngạch là 129,57 triệu USD.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ Indonesia trong tháng 8/2021 đạt 624,44 triệu USD, giảm 9,5% so với tháng 7/2021. Đáng lưu ý, trong 10 nhóm hàng nhập khẩu cao nhất từ Indonesia có tới 7/10 nhóm hàng có giá trị kim ngạch giảm; trong đó, ô tô nguyên chiếc và phụ tùng ô tô là nhóm hàng có giá trị kim ngạch giảm nhiều nhất tương ứng với các mức giảm lần lượt là 55,7%, đạt 1,75 triệu USD và 39,5%, đạt 137,6 triệu USD.

Ngoài ra, 3 nhóm hàng có giá trị nhập khẩu tăng trưởng gồm than các loại tăng 30,4%, đạt giá trị 935,32 triệu USD; sắt thép các loại tăng 8,6%, đạt 300,35 triệu USD và máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 17% và đạt giá trị kim ngạch 169,75 triệu USD.

Tính chung, tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong 8 tháng năm 2021 từ Indonesia đạt giá trị 4,39 tỷ USD, tăng 51,9% so với cùng năm trước. 10 nhóm hàng nhập khẩu nhiều nhất với tổng giá trị nhập khẩu là 3,21 tỷ USD, chiếm 73% tổng giá trị nhập khẩu, đều có tốc độ tăng trưởng cao đã làm gia tăng mạnh kim nhập nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm nay.

Trong 10 nhóm hàng này, hóa chất, dầu mỡ thực vật và than là 3 nhóm hàng có giá trị tăng cao nhất với các giá trị và mức tăng tương ứng là: 441 triệu USD, tăng 95,5%; 205 triệu, tăng 87,9% và 935 triệu, tăng 71,6%. Bên cạnh đó, giá quốc tế nhiều nhóm hàng nhập khẩu quan trọng tăng mạnh cũng đã góp phần gia tăng giá trị hàng hóa nhập khẩu trong kỳ.

Điều này đã thể hiện qua giá dầu cọ lên cao nhất một thập kỷ trong tháng 5/2021 khi đạt 1.241 USD/tấn. Sự gia tăng giá mạnh của cũng ghi nhận ở nhóm mặt hàng than, khi giá quốc tế nhóm hàng này đạt bình quân 145.89 USD/tấn vào tháng 7/2021, tăng tới 179%.

Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Indonesia trong 9 tháng năm 2021 đạt 5,49 triệu USD, xếp thứ 39/94 tổng số nước đầu tư vào Việt Nam trong năm 2021được thực hiện dưới hình thức góp vốn mua cổ phần.

Ngoài ra, tổng số dự án còn hiệu lực của Indonesia tại Việt Nam tính tới tháng 9/2021 là 86 dự án với tổng số vốn là 611,57 triệu USD, xếp thứ 29/141 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Uyên Hương (TTXVN)
Tận dụng ưu đãi thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu sang Mexico
Tận dụng ưu đãi thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu sang Mexico

Tuy liên tục xuất siêu sang thị trường Mexico nhưng thị phần hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu tại thị trường này mới chỉ đạt 1,3%. Vì vậy, theo nhận định từ các chuyên gia thương mại, doanh nghiệp nên tận dụng ưu đãi từ Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để hàng hóa Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN