Ngành chức năng đang tập trung nguồn lực để hỗ trợ nông dân thu hoạch lúa an toàn trong mùa dịch bệnh.
Hơn tuần qua, bà Phạm Thị Thùa, xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm mới thu hoạch xong hơn 3.000 m2 lúa. Bà Thùa cho biết, do dịch bệnh không thuê được nhân công cắt, thu gom lúa nên hai vợ chồng phải tự cắt lúa vận chuyển về nhà. Giờ phải chờ hai ngày nữa mới có máy tuốt lúa vì máy ở địa phương khác, trong khi phải tuân thủ quy định phòng chống dịch. Nếu như trước đây, thuê được nhân công thì đám ruộng nhà bà chỉ một ngày là thu hoạch xong. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh nên gia đình phải tuân thủ, để đảm bảo an toàn.
Tương tự, ông Trần Hữu Nghiệp, xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm cho hay, 6.000 m2 lúa của gia đình đã đến ngày thu hoạch nhưng hiện nay chưa gọi được nhân công. Các vụ lúa trước đây, ông Nghiệp đều giao cho đội nhân công thu hoạch. Nếu thời gian kéo dài không cắt, lúa sẽ bị giảm năng suất do rụng hạt. Nông dân mong muốn ngành chức năng có biện pháp hỗ trợ liên hệ máy cắt lúa từ nơi khác để thu hoạch lúa đúng thời vụ.
Anh Bùi Khắc Mẫn, xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm bày tỏ, các vụ lúa trước đây anh đứng ra nhận đầu công của hộ dân để thu hoạch lúa. Mỗi vụ, anh Mẫn nhận thu hoạch tại xã Bình Thành hơn 70 ha và các xã khác của huyện Ba Tri. Máy cắt được thuê từ Vĩnh Long sang. Nhưng hiện nay, do ảnh hưởng dịch bệnh, không thể di chuyển máy cắt lúa từ tỉnh Vĩnh Long qua Bến Tre để thu hoạch lúa, trong khi đó máy cắt lúa ở địa phương không đủ để người dân thuê.
Anh Mẫn cho biết, anh đã liên hệ được máy cắt từ huyện Ba Tri lên nhưng chỉ được ba ngày, cắt được hơn 15 ha, lại phải chuyển máy trở về địa phương để thu hoạch lúa. Hiện tại anh đang tìm máy các nơi khác để hỗ trợ người dân thu hoạch lúa cho kịp thời vụ. Anh Mẫn mong muốn địa phương tạo điều kiện để có thể vận chuyển máy cắt từ vùng khác đến, riêng đội ngũ nhân công của anh Mẫn đã tạo nơi ăn ở cố định, đảm bảo thực hiện đúng an toàn phòng dịch và tuân thủ 5K theo quy định.
Theo ông Trương Thế Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thành, vụ Hè Thu 2021, xã có 320 ha lúa đang vào kỳ thu hoạch. Địa phương cũng liên hệ các đơn vị bạn ở xa để hỗ trợ máy cắt lúa, nhưng vào địa bàn phải cách ly tập trung 14 ngày. Địa phương cũng nhờ hỗ trợ từ các xã lân cận, nhưng đang vào vụ lúa thu hoạch tập trung nên không thể hỗ trợ lâu dài được.
Hiện tại, xã Bình Thành đang huy động các máy gặt lúa sẵn có tại địa phương để linh động điều chỉnh thu hoạch lúa cho bà con. Ruộng nào chín trước sẽ thu hoạch trước; đồng thời, kêu gọi lực lượng đoàn viên, hội nông dân của xã để hỗ trợ người dân thu hoạch lúa; đảm bảo đủ lực lượng, máy móc để hỗ trợ người dân và đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh trên địa bàn xã.
Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Trôm cho biết, vụ Hè Thu năm 2021 huyện gieo sạ hơn 820 ha đang vào thời điểm thu hoạch rộ. Do dịch COVID-19, việc huy động máy cắt lúa, nhân công thiếu cục bộ ở nhiều nơi. Ngành chức năng huyện và các xã chủ động liên lạc nhiều đầu mối cắt lúa, thu gom lúa để điều phối quá trình thu hoạch.
Ngoài ra, ngành chức năng huyện yêu cầu các địa phương tuân thủ quy định đảm bảo an toàn phòng dịch cho người dân, hạn chế tập trung đông người. Các đội thu hoạch lúa hạn chế tiếp xúc với người dân địa phương và thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch hiệu quả.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho hay, vụ lúa Hè Thu 2021 toàn tỉnh Bến Tre gieo sạ hơn 10.300 ha tập trung tại hai huyện Giồng Trôm, Ba Tri. Hiện nay, vụ lúa bắt đầu vào mùa thu hoạch. Để đảm bảo thu hoạch đúng tiến độ, ngành chức năng yêu cầu các địa phương linh động phối hợp về điều phối nguồn nhân lực, máy móc để phục vụ thu hoạch lúa cho bà con.
Theo ông Đức, do đội thu hoạch, phương tiên máy móc rải rác trên nhiều địa bàn khác nhau nên các địa phương cần chủ động phối hợp để có thể di chuyển máy móc phương tiện mà vẫn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Áp dụng giãn cách xã hội cũng cần linh động giữa các địa phương. Bên cạnh đó, hộ nông dân tuân thủ quy định phòng dịch và có khó khăn trong khâu thu hoạch sẽ liên hệ tại địa phương để được hỗ trợ. Ngoài ra, các địa phương chủ động hỗ trợ người dân liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ lúa trong giai đoạn hiện nay, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế".