Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Nghinh ở thôn Trà Linh, xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, một nông dân nhờ vốn vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) mà đã có cơ ngơi khang trang với mô hình trang trại vườn - ao - chuồng.
Hơn 10 năm trước, gia đình ông Nguyễn Văn Nghinh quyết tâm chuyển đổi từ trồng lúa sang mô hình nuôi trồng thủy sản. Nhận thấy trồng lúa cho thu nhập thấp và khó có thể làm giàu được từ cây lúa, ông Nghinh đã mạnh dạn đầu tư vốn để chuyển đổi sang mô hình vườn - ao - chuồng. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật cũng như được địa phương tạo điều kiện, gia đình ông đã đấu thầu đất và cộng thêm đất của gia đình sẵn có, ông đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi.
Việc thay đổi này đã mang lại hiệu quả cao so với cây lúa. Cả gia đình ông hiện làm không hết việc và còn tạo thêm việc làm cho một số bà con trong thôn. Ba ao nuôi thả các loại cá, nhưng chủ yếu là cá rô đồng, trung bình hàng năm thu hoạch từ 100 - 120 tấn cá, đạt doanh thu khoảng 600 triệu đồng/năm.
Ông Nghinh chia sẻ, có được cơ ngơi như ngày hôm nay, bên cạnh sự nỗ lực của cả gia đình, nguồn vốn tại Agribank đã hỗ trợ rất lớn để thực hiện thành công việc chuyển đổi này.
"Ban đầu vay vốn tôi và vợ rất lo, sợ làm ăn không thành rồi mang nợ. Nhưng đã "đâm lao phải theo lao", chúng tôi vẫn quyết tâm làm và đã đạt được những kết quả khích lệ", ông Nghinh nói.
Ở xã Thụy Liên, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn như gia đình ông Nghinh, quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và dựa vào nguồn vốn Agribank. Sau một thời gian ổn định và phát triển, các hộ có trách nhiệm trả nợ ngân hàng và nguồn vốn lại tiếp tục được hỗ trợ cho các mô hình khác.
Ông Vũ Văn Quang, Chủ tịch xã Thái Liên cho biết, từ một xã thuần nông, lúa là cây trồng chủ yếu thì nay Thái Liên đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình, phát triển mạnh cây vụ Đông và hình thành nhiều cánh đồng mẫu, cánh đồng có liên kết bao tiêu nông sản từ đầu vụ, tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho bà con. Cùng với sự phát triển của nhiều công ty, doanh nghiệp trên địa bàn, xã Thái Liên đã rút dần lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thu nhập bình quân của người dân địa phương đạt trên 55 triệu đồng/người/năm.
Theo ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Giám đốc Agribank tỉnh Thái Bình, tỷ lệ đầu tư phát triển “Tam nông” tại Agribank Thái Bình luôn chiếm trên 90%/tổng dư nợ. Trên 66.000 hộ gia đình và cá nhân hiện là khách hàng của Agribank Thái Bình. Cùng đồng hành với các khách hàng là hộ gia đình và cá nhân, Agribank Thái Bình chú trọng mở rộng đầu tư cho vay các khách hàng là tổ chức, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.
Ông Nguyễn Mạnh Tường cũng khẳng định, nhờ nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân, trang trại, gia trại có điều kiện mở rộng, phát triển sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; cơ giới hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Với 23 năm theo nghề cây cảnh truyền thống, khu vườn của anh Nguyễn Văn Thành ở xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định hiện giá trị cũng lên tới cả chục tỷ đồng. Nhớ lại năm 2010, thị trường cây cảnh đi xuống, cả làng nghề lâm vào cảnh khó khăn, nhiều người phải bỏ vườn, bỏ cây, chuyển sang nghề khác, nhưng anh Nguyễn Văn Thành vẫn quyết tâm gắn bó với nghề của cha ông truyền lại. Anh quyết định vay ngân hàng 600 triệu đồng để khôi phục lại vườn cây cảnh của mình.
“Bản thân tôi lúc đó cũng vượt qua một giai đoạn khủng hoảng, nhưng sau đó có sự hỗ trợ của ngân hàng và tổ vay vốn, Ban chỉ đạo dự án vay vốn của xã đã giúp tôi cũng như người dân dần ổn định nghề. Nhờ vậy, hiện nay tôi không những trả hết nợ mà còn gửi được khoản tiền tiết kiệm ở ngân hàng”, anh Nguyễn Văn Thành nói.
Đồng hành cùng nông dân trong nhiều năm qua, Agribank có nhiều đóng góp quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đặc biệt trên mặt trận nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế biển.
Trong thành tựu của 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn cho vay của Agribank với vai trò là nguồn lực quan trọng thúc đẩy xây dựng nông thôn mới trên khắp địa bàn cả nước, đóng góp lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững tại Việt Nam. Điều này góp phần khẳng định vị thế “đầu tàu” của Agribank trong việc đưa phong trào xây dựng nông thôn mới sớm về đích.
Ông Triệu Đình Vỵ, Phó Giám đốc Agribank Nam Định cho biết, chủ trương xây dựng nông thôn mới ra đời được coi là một chủ trương rất phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Với vai trò cho vay vốn của ngân hàng, đặc biệt là của Agribank đã thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, người dân có điều kiện tham gia đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như các thiết chế nông thôn.
"Chúng tôi luôn xác định, dân có giàu thì nước mới mạnh. Dân có bát ăn bát để thì mới phát triển được kinh tế, có điều kiện để đóng góp xây dựng đất nước. Hiện nay, trên địa bàn Nam Định hầu như xây dựng cơ sở hạ tầng trong nông thôn đều của người dân đóng góp”, ông Triệu Đình Vỵ, Phó Giám đốc Agribank Nam Định nói.