Mã số vùng trồng - một trong những điều kiện bắt buộc của hàng nông sản xuất khẩu. Bên cạnh những nỗ lực mở rộng nhanh mã số vùng trồng thì cũng không ít mã số bị các thị trường nhập khẩu loại bỏ. Đưa nông sản vươn xa, không để mã số vùng trồng trở thành cản trở trong xuất khẩu nông sản thì bên cạnh sự quản lý, giám sát của cơ quan chức năng trong việc sử dụng mã số vùng trồng thì mỗi chủ mã số cần nâng cao chất lượng cũng như bảo vệ mã số của chính mình.
Cả nước hiện có khoảng 6.500 vùng trồng và 1.600 cơ sở đóng gói tại 33 tỉnh, thành phố được cấp mã số xuất khẩu. Tuy nhiên, cũng có hơn 710 mã số vùng trồng nông sản xuất khẩu bị thu hồi do không đạt yêu cầu về chất lượng kỹ thuật của nước nhập khẩu, tập trung chủ yếu ở các địa phương như Tiền Giang, Tây Ninh, Lâm Đồng, Bình Thuận…
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, mỗi mã vùng trồng ít nhất khoảng 10 ha. Đây là con số khá lớn, sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu nông sản. Việc có được mã số vùng trồng rất khó. Sau khi được cơ quan chức năng Việt Nam rà soát, đánh giá thì để được thị trường nhập khẩu chấp thuận họ cũng sẽ phải kiểm tra, đánh giá và chờ đợi… Khi đã có được mã số mà để bị thu hồi là thiệt hại rất lớn.
Hiện nay nhiều nước đã tăng cường tần suất kiểm tra, giám sát mã vùng trồng. Chẳng hạn Trung Quốc, việc giám sát diễn ra định kỳ hàng tuần đối với các địa phương có sản lượng nhập khẩu lớn hoặc các cá nhân từng có lịch sử vi phạm.
Diện tích sản xuất rau quả Việt Nam rất lớn, nhưng con số được cấp mã và được thị trường nhập khẩu chấp thuận còn rất ít. Như sầu riêng có khoảng 110.000 ha với 2/3 diện tích đang thu hoạch nhưng chỉ có 246 mã vùng trồng với 97 mã cơ sở đóng gói.
“Nếu mất đi dù chỉ 1 mã cũng sẽ là thiệt hại trong sản xuất. Việc xin lại mã sẽ rất mất thời gian chưa kể chi phí và công sức. Thời gian để được xin lại có khi gấp từ 2 -3 lần so với xin mới”, ông Đặng Phúc Nguyên nói.
Nhằm đẩy nhanh quá trình cấp mã số, thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phân cấp triệt để cho địa phương chủ động thiết lập, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói ở địa phương mình. Tuy nhiên, do nhiều địa phương chỉ chú ý đến các mã số cấp mới, chưa quan tâm tới việc duy trì, giám sát các mã số đã cấp khiến nhiều mã số vùng trồng bị thu hồi.
Sau khi được cấp mã, các chủ mã số đã có tâm lý chủ quan, “thi đã đậu” nên không quan tâm đến nâng cao trình độ, chăm sóc, nâng chất lượng vùng trồng. Với các vườn bị thu hồi do lơ là chăm sóc, cơ quan chuyên môn cần hướng dẫn họ để sớm có lại được mã số, ông Đặng Phúc Nguyên cho hay.
Với các trường hợp bị thu hồi do mua bán mã số, ăn cắp mã số, ông Đặng Phúc Nguyên đề nghị cơ quan chức năng cần điều tra, làm rõ. Với trường hợp này phải bị xử lý nghiêm, xem đây là tội phá hoại kinh tế, phá hoại thương hiệu quốc gia. Với những trường hợp như thế này, Thái Lan đã có những quy định và xử phạt rất nghiêm khắc.
Để mở rộng nhanh mã số vùng trồng, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp với các vùng nguyên liệu liên kết thì các chủ vườn, địa phương cũng cần chủ động làm việc này. Như vậy, khi thị trường mở ra, nhu cầu tăng lên là sản phẩm đã sẵn sàng để xuất khẩu.
Các chuyên gia cho rằng, để mã số vùng trồng thực sự phát huy hết hiệu quả cần sự phối hợp của nhiều đơn vị liên quan. Mỗi đơn vị, doanh nghiệp có mã số vùng trồng để xuất khẩu phải ý thức đó cũng là tài sản của họ và phải gìn giữ, đảm bảo uy tín của mã số vùng trồng này. Như vậy, sản xuất, xuất khẩu trái cây mới được sự ổn định và bền vững.
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói là một trong những yêu cầu bắt buộc trong kiểm dịch thực vật. Các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đều gắn theo yêu cầu từng thị trường. Điều này sẽ góp phần hướng tới xuất khẩu bền vững, đáp ứng tiêu chí thị trường nhập khẩu.
Ông Hoàng Trung cho biết, Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng quy trình, tiêu chuẩn và hướng dẫn cho các địa phương. Để sớm được cấp mã số vùng trồng, bên cạnh trách nhiệm chính là các chi cục bảo vệ thực vật thì bản thân các doanh nghiệp và người dân đã được tập huấn cần liên hệ để hoàn thiện hồ sơ và gửi về Cục Bảo vệ thực vật để trình sang các nước.
“Trách nhiệm địa phương, doanh nghiệp, nông dân là phải bảo vệ, duy trì mã số đó, đảm bảo sản xuất đúng yêu cầu thị trường”, ông Hoàng Trung nhấn mạnh.