Việc cấp mã số vùng trồng cũng như thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc là cơ hội để tăng sức cạnh tranh cho nông sản ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Xuân Huy, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Yên Bái, mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Vì vậy, nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện, có chính sách ưu tiên hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân đăng ký cấp mã số vùng trồng.
Khi có vùng trồng được cấp mã số, sản phẩm của vùng trồng đó sẽ có điều kiện thuận lợi để đến với các thị trường, đặc biệt đối với xuất khẩu theo đường chính ngạch. Chính vì vậy, mã số vùng trồng được coi là "tấm vé thông hành” của nông sản. Cũng theo xu thế đó, thời gian qua, ngành nông nghiệp Yên Bái đã chủ động phối hợp với các địa phương tích cực hướng dẫn người dân xây dựng vùng trồng, tổ chức thiết lập những vùng trồng được cấp mã số.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, năm 2022, ngành đã thiết lập 37 mã số vùng trồng chè phục vụ xuất khẩu đi các nước như: Mỹ, Ấn Độ, Nga, Đài Loan (Trung Quốc), Uzbekistan cùng nhiều nước châu Âu khác với diện tích 294 ha và cấp được 13 mã số vùng trồng phục vụ tiêu thụ nội địa với diện tích 35 ha. Năm 2023, dự kiến ngành sẽ cấp mã số cho 35 vùng trồng với diện tích trên 450 ha trên các đối tượng cây trồng như bưởi, thanh long, lúa, rau và một số cây trồng dùng làm dược liệu.
Để khuyến khích việc đăng ký cấp mã số vùng trồng trên địa bàn tỉnh, vừa qua, tại Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 51/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 quy định nội dung, mức hỗ trợ một số nội dung chi sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ chi phí tư vấn, giám sát và gắn mã vùng trồng cho các cá nhân, tổ chức với mức hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng cho vùng trồng phục vụ xuất khẩu; 20 triệu đồng cho vùng trồng phục vụ tiêu thụ nội địa và hỗ trợ truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm chủ lực, tối đa 10 triệu đồng/sản phẩm.
Bên cạnh những thuận lợi khi triển khai, việc cấp mã số vùng trồng trên địa bàn cũng gặp những khó khăn nhất định như quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; không đồng nhất trong từng vùng trồng; nhận thức của người sản xuất về mã số vùng trồng và lợi ích của nó mang lại còn khá mơ hồ.
Ngoài ra, khi vùng trồng được cấp mã số thì người sản xuất trực tiếp phải cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu để quản lý (mùa vụ, các tác động vào vùng trồng, thu hoạch, năng suất...), trong khi kiến thức, trình độ của người sản xuất ở nhiều nơi, nhiều vùng chưa thể làm ngay được.
Ông Nguyễn Đức Điển, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái cho biết, với mục tiêu sẽ tập trung thiết lập, cấp, quản lý và giám sát cho vùng sản xuất chính, vùng trồng các loại cây trồng được xác định là chủ lực, đặc sản của tỉnh, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức tập huấn về mã số vùng trồng cho các đối tượng như: cán bộ quản lý, chính quyền địa phương, cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ tại cơ sở; tổ chức, cá nhân tổ chức sản xuất và trực tiếp làm việc tại các vùng trồng.
Cùng đó, tập trung hỗ trợ, thiết lập, cấp mã số cho các vùng trồng tại các xã phấn đấu hoàn thiện tiêu chí đạt xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời, tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đăng ký cấp mã số vùng trồng…