Tiếp tục trình chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, kinh tế Việt Nam mạnh, doanh nghiệp sẽ lớn mạnh. Doanh nghiệp làm ăn tốt sẽ nộp thuế đầy đủ, trả nợ được lãi vay ngân hàng, tiền trái phiếu, đóng đầy đủ các loại bảo hiểm cho người lao động. Doanh nghiệp khó khăn, nền kinh tế kém chắc chắn ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách của Nhà nước (NSNN).
Trong tổng số 1 doanh nghiệp được vinh danh lần này, có 12 doanh nghiệp có số nộp NSNN rất lớn giai đoạn 2020 - 2022, như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có số nộp NSNN trên 56.000 tỷ đồng, nằm trong nhóm đầu ngành dịch vụ hỗ trợ khai thác dầu thô và khí tự nhiên; Tập đoàn xăng dầu Việt Nam nộp thuế trên 6.000 tỷ đồng, nằm trong nhóm đầu ngành bán buôn nhiên liệu; Công ty Cổ phần Lọc Hóa Dầu Bình Sơn nộp trên ngân sách 28.000 tỷ đồng, nằm trong nhóm đầu ngành sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế; Công ty Liên doanh Điều hành Cửu Long nộp trên 36.000 tỷ đồng, nằm trong nhóm đầu ngành dịch vụ hỗ trợ khai thác dầu thô và khí tự nhiên.
Số nộp NSNN giai đoạn 2020 - 2022 của Ngân hàng TMCP Bắc Á khoảng 700 tỷ đồng, luôn nằm trong Top 10 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất tỉnh Nghệ An; Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam nộp trên 22.000 tỷ đồng đồng, đứng đầu ngành hoạt động dịch vụ tài chính. Ngoài ra còn có các Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa; Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội; Tổng công ty phát điện 3; Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam; Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam cùng rất nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ khác đã được Bộ Tài chính và ngành Thuế vinh danh vì có thành tích nộp thuế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Trong bối cảnh COVID-19 kéo dài, thị trường trong nước và xuất khẩu đều bị thu hẹp, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng… khiến doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam đã phải đứng trước những thách thức chưa từng có. Bộ Tài chính đã đề xuất, trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là giãn, giảm, hoãn thuế, tiền thuê đất… để hỗ trợ kịp thời và giải quyết khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Các giải pháp chính sách về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, cùng nhiều khoản phí, lệ phí đã hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. Tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ năm 2020 khoảng 129.000 tỷ đồng, năm 2021 khoảng 145.000 tỷ đồng, năm 2022 khoảng 233.000 tỷ đồng.
Chỉ trong 3 năm từ 2020 đến 2022, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp là hơn 507.000 tỷ đồng, trong đó số tiền thuế được gia hạn là trên 352.000 tỷ đồng, số tiền thuế được miễn, giảm là khoảng 155.000 tỷ đồng.
"Đây là con số không hề nhỏ và có ý nghĩa như một khoản Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp giảm nghĩa vụ tài chính, ổn định sản xuất kinh doanh. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ với quy mô khoảng 196.000 tỷ đồng; đồng thời, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ về giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2023. Dự kiến thực hiện giải pháp này, số tiền thuê đất được giảm nghĩa vụ năm 2023 là khoảng 3.500 tỷ đồng”, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết.
Các chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong những năm qua là những quyết sách dài hơi, có tầm nhìn xa trông rộng. Bởi vì nhờ hỗ trợ kịp thời, doanh nghiệp có thêm vốn để đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế vĩ mô tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất Đông Nam Á
Số hóa quản lý thuế, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp
Tại Hội nghị biểu dương người nộp thuế, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế), Phạm Quang Toàn cho biết: Sau gần 2 năm triển khai hệ thống hóa đơn điện tử (HĐĐT) toàn quốc, đã có trên 851.000 và trên 65.000 hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký, chuyển đổi sử dụng HĐĐT theo quy định; cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý trên 5 tỷ HĐĐT.
Việc triển khai HĐĐT đã thu hút đông đảo doanh nghiệp công nghệ số tham gia, với 96 tổ chức cung cấp giải pháp HĐĐT và 25 tổ chức cung cấp dịch vụ nhận, truyền và lưu trữ dữ liệu HĐĐT được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử ngành thuế.
Đến nay, trên hệ sinh thái HĐĐT đã có 96 nhà cung cấp giải pháp, 25 tổ chức truyền nhận; 851.372 doanh nghiệp, tổ chức và 65.576 hộ, cá nhân kinh doanh triển khai HĐĐT; 5,055 tỷ HĐĐT đã phát hành; đã có 6.618 hóa đơn may mắn được trao thưởng cho người nộp thuế.
“Cùng với HĐĐT, ngành Thuế cũng đã triển khai thành công Cổng thông tin điện tử phục vụ người nộp thuế kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT). Tính đến hết tháng 9/2023, đã có 62 nhà cung cấp nước ngoài thực hiện các thủ tục thuế qua Cổng dành cho nhà cung cấp nước ngoài, trong đó có 6 tập đoàn công nghệ lớn gồm: Facebook, Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple. Tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp qua Cổng là hơn 9.000 tỷ đồng. Kết quả này đưa Việt Nam trở thành một trong 4 nước đi đầu trong khu vực ASEAN triển khai thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài”, ông Phạm Quang Toàn cho biết.
Tính đến tháng 9/2023, đã có 351 sàn TMĐT gửi thông tin qua Cổng thông tin TMĐT, trong đó có dữ liệu giao dịch của hơn 34.000 nhà cung cấp là tổ chức tại Việt Nam, 136 nhà cung cấp là tổ chức nước ngoài, 214 ngàn nhà cung cấp là cá nhân tại Việt Nam, 7 nhà cung cấp là cá nhân nước ngoài. Bên cạnh việc cung cấp dịch vụ thuế điện tử cấp độ 3, 4 cho doanh nghiệp đã ổn định trong nhiều năm với các con số ấn tượng như: 99,8% doanh nghiệp khai thuế điện tử, 98,9% doanh nghiệp nộp thuế điện tử, 99,3% doanh nghiệphoàn thuế điện tử.
Trong 3 năm qua, ngành thuế cũng đã tập trung nguồn lực để mở rộng dịch vụ thuế điện tử cho cá nhân. Đến nay đã có trên 2.300.000 tài khoản thuế điện tử của cá nhân, có thể dùng các ứng dụng của ngành thuế trong việc khai thuế, quyết toán thuế thu nhập cá nhân hàng quý, hàng năm; khai và nộp thuế đối với hoạt động cho thuê tài sản; khai và nộp lệ phí trước bạ đối với ô tô, xe máy. Với ứng dụng eTax Mobile sử dụng qua smartphone, cá nhân có thể tra cứu thông tin về đăng ký thuế, tình trạng thực hiện nghĩa vụ thuế để biết số dư nợ, nộp thừa hiện thời; xem thông báo từ cơ quan thuế hoặc nộp thuế ngay trên App.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành nhấn mạnh: Ngành thuế sẽ tiếp tục cải cách toàn diện, điện tử hóa, số hóa theo mục tiêu lấy sự phục vụ người dân và doanh nghiệp ở mức hiệu quả cao nhất. Theo đó, nguyên tắc lấy người nộp thuế làm trung tâm, tức là chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ.
Đây là quá trình chuyển đổi đòi hỏi ý thức của mỗi cán bộ, công chức ngành thuế phải kịp thời phục vụ hiệu quả, được sự đánh giá cao của người nộp thuế; hướng tới mục tiêu cải cách hiện đại hóa thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thân thiện, hiệu quả, hiện đại.