Các hộ dân trồng sầu riêng cũng đã chủ động phòng trừ nhiễm bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra.
Theo nhiều hộ dân, sâu bệnh xuất hiện trên cây sầu riêng tấn công chủ yếu vào mùa khô, làm cây bị lá, quả thối hư, ảnh hưởng xấu đến chất lượng sản phẩm. Vì vậy, việc thăm vườn, chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh phải được thực hiện xuyên suốt, kịp thời.
Ông Phạm Văn Tiến ở thị trấn Đức Phong (huyện Bù Đăng) cho biết, do cây sầu riêng là một trong những loại cây khó tính dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết, nhiễm bệnh nên phải chăm sóc thường xuyên. Trong mùa khô vừa qua, gia đình ông đã chủ động theo dõi quá trình sinh trưởng phát triển của cây nhằm phát hiện bệnh xử lý kịp thời.
"Sau khi tìm hiểu các kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sầu riêng, gia đình tôi cố gắng giữ vườn không để bệnh xâm hại làm cây suy yếu và năng suất thấp. Thời gian qua, gia đình tôi chủ yếu phòng là chính. Ngoài ra, tôi còn sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, luôn giữ ẩm cho cây vào mùa khô để tránh dịch bệnh phát sinh", ông Tiến chia sẻ..
Vào thời điểm cuối mùa mưa sắp chuyển sang mùa nắng, những cơn mưa cuối mùa thường kéo dài với lượng mưa lớn dễ gây ngập úng trên vườn sầu riêng nên dẫn đến phát sinh một số bệnh thường gặp như bệnh thối trái, thối rễ, thán thư, cháy lá…
"Giải pháp của tôi là phải chủ động nguồn nước và phải theo dõi cây thường xuyên để phát hiện ra bệnh và kịp thời xử lý. Những cây bị nhiễm bệnh không để quá lâu thì cây sẽ bị suy. Gần như gia đình tôi phải theo dõi vườn cây hàng ngày để phát hiện bệnh sớm nhất và phòng ngừa kịp thời", ông Tiến chia sẻ thêm.
Hộ gia đình ông Vũ Thái Sơn ở xã Đức Hạnh (huyện biên giới Bù Gia Mập) đã gắn bó với cây sầu riêng hơn chục năm. Trong những năm qua, ông chưa bao giờ lơ là công việc chăm sóc vườn sầu riêng mới trồng và đã cho thu hoạch. Với diện tích 5 ha cây từ 3 năm tuổi đến trên 10 năm hầu hết đang phát triển rất tốt.
Ông Vũ Thái Sơn chia sẻ: "Do biết trước cây sầu riêng rất khó tính nên tôi đã chủ động chăm sóc, phòng bệnh nấm và ngăn chặn kịp thời. Trong thời gian qua, vườn sầu riêng cũng đã có một số cấy bị nhiễm bệnh, tôi đã xử lý kịp thời và hạn chế lây lan sang cây khác".
Nhiều nhà nông đã trồng cây sầu riêng cũng nhận định, đây là cây không dễ chăm sóc do sự mẫn cảm cao với môi trường cũng như phải đối mặt với nhiều loại bệnh hại tấn công. Vì vậy, nhà nông trồng loại cây này cần chú trọng các biện pháp kỹ thuật để phòng, trừ bệnh hại, góp phần bảo vệ và phát triển sản xuất sầu riêng an toàn bền vững.
Ông Vũ Xuân Hợi ở ấp 54, xã Lộc An (huyện Lộc Ninh) từ khi trồng sầu riêng đến nay đã không ngừng tìm tòi tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng trong phát triển vườn cây. Ông luôn luôn chủ động tập trung chăm sóc vườn để tránh và hạn chế dịch bệnh gây hại. Gia đình ông Hợi canh tác trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, thực hiện đúng như cam kết khi vào hợp tác xã tại địa phương.
Ông Vũ Xuân Hợi cho biết, từ khi chuyển đổi trồng cây sầu riêng, gia đình ông đã tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch để bảo vệ cho cây trồng theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Thông qua các buổi tập huấn về chăm sóc vườn sầu riêng, ông cố gắng thực hiện đầy đủ các phương pháp để hạn chế sâu bệnh, sản phẩm đảm bảo ra ngoài thị trường thì là phải an toàn và sạch.
Từ khi tham gia hợp tác xã sầu riêng trên địa bàn huyện Lộc Ninh, vườn cây của ông Hợi cũng như nhiều nhà vườn tại địa phương của các xã viên đều chuyển hướng canh tác theo quy trình sản xuất ra sản phẩm sạch. Trước đây, nhiều hộ dân chủ yếu trồng, chăm sóc sầu riêng theo cách truyền thống nên hầu hết cây dễ bị sâu bệnh tấn công và sản phẩm chất lượng không tốt. Tuy nhiên, từ khi chuyển hướng trồng theo quy trình sạch, sử dụng phân bón hữu, thuốc bằng chế phẩm hữu cơ đã mang lại sản phẩm sạch, chất lượng và nguồn thu nhập cao hơn.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Ninh Hoàng Ngọc Anh cho biết, thời gian qua, cây sầu riêng là cây mang lại giá trị kinh tế cao. Khi mà người dân trên địa bàn chuyển hướng trồng loại cây này, chúng tôi cũng có những khuyến cáo phải xử lý đất trước khi trồng. Người dân cần trồng ở những nơi có thổ nhưỡng phù hợp, có nguồn nước. Nhà vườn phải thường xuyên thăm vườn, xử lý nhiễm bệnh, tránh tình trạng vì tiếc rẻ khi cây đã làm trái mà dịch bệnh không tập trung xử lý.
Hiện nay, tổng diện tích cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh Bình Phước khoảng 5.300 ha. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 90 ha diện tích sầu riêng bị nhiễm bệnh và chết. Thời gian qua, trước tình trạng nhiễm bệnh sầu riêng có chiều hướng gia tăng, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước cũng đã hướng dẫn bà con các biện pháp kỹ thuật để phòng trị, hạn chế bệnh lây lan ra diện rộng. Người dân cần chủ động hơn trong việc thăm vườn, nhận biết các tác nhân gây hại để có biện pháp phòng, trừ bệnh kịp thời.