Bình Phước 'giải cứu' vườn điều héo khô do dịch bệnh

Trước thực trạng 35.400 ha điều ở tỉnh bị nhiễm sâu bệnh gây hại, trong đó nhiều diện tích điều bị chết khó phục hồi, tỉnh Bình Phước đã triển khai chính sách hỗ trợ về cây giống đối với người dân tộc thiểu số nhằm tái canh lại vườn điều gần 6.000 ha đã bị chết hoặc già cỗi cho năng suất thấp.

Nấm và thán thư gây khô cổ bông là 2 bệnh chủ yếu trên cây điều do mưa trái mùa gây ra. Ảnh: Đậu Tất Thành/TTXVN

Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước rà soát để hỗ trợ cây điều giống cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhằm thực hiện việc tái canh vườn điều trong vụ mới năm 2018 đối với diện tích điều bị chết, cây già cỗi cho năng suất thấp tại các huyện, thị xã trên toàn tỉnh là 5.796,3 ha; trong đó, tập trung hỗ trợ đồng bào dân tộc cần thực hiện tái canh trong 3 năm tới với diện tích tái canh niên vụ 2018 là trên 2.139 ha và các năm tiếp theo là gần 4.000 ha.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Văn Lộc cho biết đợt dịch bệnh gây hại trên cây điều là lan nhanh trên diện rộng với diện tích hư hại trên 35.000 ha. Nguyên nhân là do tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường mưa ẩm kéo dài dẫn đến sâu bệnh, muỗi bọ xít làn tràn gây nhiễm bệnh phá hoại các vườn điều. Hơn một tháng qua, ngành nông nghiệp huy động tổng lực và được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, hỗ trợ về phương pháp kỹ thuật chăm sóc, bón phân để cứu “ thủ phủ” điều.

Kết quả sau hơn một tháng ra quân "giải cứu" các vườn điều héo khô do dịch bệnh hoành hành, đến nay đã các vườn điều đang dần hồi phục. Theo khảo sát mới nhất của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước, sau khi “giải cứu” các vườn điều trên địa bàn đã có dấu hiệu phục hồi sinh trưởng tốt với khoảng 40% diện tích cây điều đang phát triển tốt; 40% diện tích cây điều bị sâu bệnh hại đã được chăm sóc đã ra lại chồi lá non, có chiều hướng phục hồi khá. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 20% diện tích cây điều còn lại phục hồi kém hoặc chưa có biểu hiện phục hồi (trên cây còn cành khô, lá khô, chưa đâm chồi, chưa ra lá non).

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước đối với diện tích điều không cứu được, hoặc đã bị chết sẽ được đưa vào diện xem xét hỗ trợ để tái canh lại vườn điều. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện chiến dịch đợt 2 sát cánh cùng nhà nông về hướng dẫn phương pháp chăm sóc chồi non, hoa, trái khi vào mùa bằng cách thường xuyên kiểm tra vườn trong thời gian cây ra chồi và lá, hoa, trái non.

Đồng thời, kiểm tra nạn bọ xít muỗi, bệnh thán thư phải xử lý thuốc bảo vệ thực vật kịp thời, tránh thất mùa điều như mùa vụ vừa rồi, gây thiệt hại lớn cho hàng nghìn hộ nhà nông; tập trung chủ yếu các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống chủ yếu nhờ vào cây điều để xóa đói, giảm nghèo.

Bình Phước là “thủ phủ” của cả nước về trồng điều với diện tích lên đến 134.000 ha điều, với trên 70.000 hộ gia đình dựa vào kinh tế vườn điều để sinh sống.

Dương Chí Tưởng (TTXVN)
Bình Phước: Ca cao không đậu trái do mưa kéo dài
Bình Phước: Ca cao không đậu trái do mưa kéo dài

Nhiều hộ nông dân trồng ca cao ở xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước cho biết, mùa mưa năm nay đến sớm và kéo dài đã khiến nhiều diện tích ca cao ra bông nhưng không đậu trái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN