Đây là hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 64 năm ngày Bác Hồ về thăm làng cá (1/4/1959 - 1/4/2023) và ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam.
Hơn 60.000 con cá giống nước ngọt phổ biến gồm các loại như: cá trắm, cá trôi, cá mè, cá chép… với kích cỡ từ 5-7 cm, không dị tật, không trầy xước, khỏe mạnh, màu sắc sáng bóng đã được thả xuống hồ. Theo Ban tổ chức, hồ Sông Quao có dung tích thiết kế 73 triệu m3, diện tích mặt thoáng khoảng 550 ha, có nguồn nước ổn định, chất lượng nước tốt. Các loại cá thả lần này được chọn từ cơ sở ươm và sản xuất cá giống có uy tín, giống được kiểm dịch, đảm bảo chất lượng và có tính thích nghi cao, sinh trưởng phát triển tốt trong hệ sinh thái hồ. Toàn bộ kinh phí gồm mua, vận chuyển con giống… được thực hiện trên tinh thần xã hội hóa, huy động đóng góp từ các đơn vị, doanh nghiệp, hiệp hội ngành thủy sản…
Ông Mai Kiều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hoạt động thả giống thủy sản bổ sung và phát triển nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên không chỉ giúp tái tạo nguồn lợi thủy sản, giữ cân bằng hệ sinh thái mà còn góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Phát biểu tại lễ thả cá, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phan Văn Đăng kêu gọi các sở, ngành chức năng, chính quyền địa phương và tổ chức hội, đoàn thể tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hoạt động này; phối hợp để tiếp tục duy trì hoạt động thả giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên các thủy vực, góp phần phục hồi, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững.
Cũng trong sáng nay, Chi cục Thủy sản, Hiệp hội Tôm Bình Thuận và Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau tổ chức thả 500.000 con tôm sú giống và 1.000 con cá mú tại vùng biển Khu bảo tồn biển Hòn Cau, huyện Tuy Phong (Bình Thuận). Đây là khu vực có hệ sinh thái đa dạng với các rạn san hô, thảm thực vật, các bãi rạn nên thuận lợi để các loài hải sản, nhất là các hải sản đáy như tôm sú, cá mú cư trú, sinh sản và sinh trưởng và phát tán ra môi trường xung quanh.
Bình Thuận là tỉnh có truyền thống nghề cá lâu đời. Tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, vùng biển rộng lớn, nguồn lợi phong phú gồm nhiều hải sản có giá trị kinh tế cao, là nguồn sống của cư dân vùng biển, đảo và đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống sông ngòi tự nhiên, sự hình thành hệ thống hồ, đập thủy lợi được đầu tư qua nhiều thời kỳ với tổng dung tích chứa khoảng 342 triệu m3, diện tích mặt nước rộng hàng ngàn ha không chỉ đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất, sinh hoạt mà còn tạo ra môi trường sống thuận lợi cho nhiều giống loài thủy sản nước ngọt sinh trưởng, phát triển.
Tuy vậy, những năm gần đây, ngành thủy sản địa phương đang đối diện với nhiều thách thức, môi trường sống bị đe dọa, nguồn lợi thủy sản bị suy giảm mạnh do tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động khai thác thiếu trách nhiệm của con người. Vì vậy, việc thả giống thủy sản bổ sung và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên là vấn đề cấp thiết đòi hỏi các cấp, ngành và toàn thể người dân cùng chung tay, góp sức thực hiện.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, thời gian qua Sở đã phối hợp với ngành chức năng, chính quyền địa phương thực hiện nhiều giải pháp để quản lý bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản như ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhất là các hành vi sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc và ngư cụ cấm để khai thác thủy sản, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, làm suy giảm nguồn lợi thủy sản trên các thủy vực. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn phối hợp triển khai nhiều chương trình, dự án và hoạt động thiết thực, nhất là thả bổ sung nguồn lợi thủy sản vào thủy vực nhằm phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản./.
* Tại Cần Thơ: Sáng 1/4, tại Bến Ninh Kiều, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ tổ chức lễ thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản. Theo đó, 50.000 con cá giống các loại đã được người dân, chính quyền địa phương thả xuống sông.
Năm nay, thành phố Cần Thơ tổ chức thả cá tại 8 điểm ở các quận, huyện với nhiều loài thủy sản quý hiếm, có giá trị kinh tế và những loài cá bản địa tại địa phương như: cá rô, cá lóc, cá trê, cá hô, cá chạch... với tổng sản lượng khoảng 200.000 con cá giống các loại.
Theo ông Phạm Trường Yên, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ, bên cạnh sự phát triển vượt bậc của nghề nuôi trồng thủy sản thì nguồn lợi thủy sản và đa dạng thành phần thủy sản có xu hướng giảm do môi trường sinh thái tự nhiên bị tác động bởi nhiều yếu tố như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, ô nhiễm, hoạt động khai thác nguồn lợi,...
Nhiều năm qua, thành phố Cần Thơ đã phấn đấu từng bước vượt qua khó khăn, thách thức để thúc đẩy tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Cùng với sự phối hợp, ủng hộ tự nguyện và nhiệt tình của các ban ngành, đoàn thể, tổ chức cá nhân, phong trào thả cá ra môi trường tự nhiên ngày càng lớn mạnh.
Khởi điểm từ năm 2013, chỉ có hai điểm thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn thành phố Cần Thơ với số lượng khoảng vài trăm kg cá giống, đến nay đã lan tỏa sâu rộng trên địa bàn 9 quận, huyện của thành phố với lượng cá giống thả mỗi năm từ 10 - 15 tấn, tăng gấp 30 lần so với ban đầu.
Qua 10 năm phát động, phong trào thả cá, tái tạo nguồn lợi thủy sản đã tạo ở sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư, góp phần tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức chấp hành nghiêm quy định về quản lý, bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản. Từ đó, một số loài cá bản địa quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng dần được phục hồi và phát triển như: cá hô, cá bông lau, cá thác lác cườm, cá cóc,...
Việc thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản là hoạt động thiết thực và có ý nghĩa thể hiện trách nhiệm của tổ chức, cá nhân cùng chung tay bảo vệ bảo tồn, tái tạo nguồn lợi thủy sản; đồng thời, cũng là dịp để tuyên truyền nâng cao hơn nữa nhận thức, ý nghĩa, trách nhiệm của công tác tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Ông Phạm Trường Yên nhấn mạnh, song song với thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản thì việc bảo vệ môi trường sống cho các loài thủy sản cần được quan tâm. Mọi người cùng chung tay ngăn chặn các hoạt động gây ô nhiễm nguồn nước, hoạt động khai thác nguồn lợi có tính hủy diệt như: sử dụng xung điện hóa chất, ngư cụ cấm, kích thước mắt lưới nhỏ trong khai thác thủy sản,...
Tính đến thời điểm này, sản lượng nuôi trồng thủy sản của thành phố Cần Thơ đạt trên 220.000 tấn, chiếm hơn 97% sản lượng khai thác. Riêng sản lượng cá tra nuôi đạt khoảng 180.000 tấn, chiếm hơn 80% sản lượng thủy sản nuôi.