Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, thực hiện Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Thuận phấn đấu đưa 10 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động hiệu quả; đồng thời xem xét mở rộng, phát triển mới 6 khu công nghiệp theo nhu cầu phát triển của tỉnh khi được cấp có thẩm quyền bổ sung chỉ tiêu quy hoạch diện tích đất khu công nghiệp. Trước mắt, tỉnh tập trung mọi nguồn lực để đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư, cơ bản lấp đầy các khu công nghiệp hiện hữu vào năm 2030.
Bên cạnh đó, Bình Thuận cũng hướng tới nghiên cứu hình thành khu kinh tế ven biển phía Nam tỉnh với diện tích khoảng 27.000 ha nằm trên địa bàn huyện Hàm Tân và thị xã La Gi để thu hút đầu tư các dự án có quy mô lớn về cảng biển và dịch vụ cảng biển, năng lượng, điện khí LNG, công nghiệp chế biến, chế tạo… gắn với phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị, thương mại, dịch vụ hiện đại.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và và chúc mừng những kết quả Ban Quản lý các khu công nghiệp đã đạt được trong 25 năm qua. Thời gian tới, đề nghị Ban Quản lý các Khu công nghiệp sớm hoàn thành kế hoạch phát triển các khu công nghiệp theo Quy hoạch tỉnh tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục đôn đốc, chủ động tháo gỡ vướng mắc của các nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thành hạ tầng kỹ thuật của các khu công nghiệp đã thành lập.
Đặc biệt, phấn đấu hoàn thành đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Tân Đức; sớm hình thành tổ hợp công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics, cảng biển, kho cảng khí LNG tại khu vực Hàm Tân - La Gi gắn với bến cảng tổng hợp Sơn Mỹ…
Ban Quản lý các Khu công nghiệp tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng và tổ chức kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật đối với các trường hợp không tích cực và chậm triển khai xây dựng hạ tầng khu công nghiệp. Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp tỉnh, trong đó lưu ý lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính, có kinh nghiệm…
"Ban Quản lý các Khu công nghiệp quan tâm phối hợp đến việc đào tạo lao động có tay nghề, thực hiện chế độ, chính sách của doanh nghiệp đối với công nhân và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp thứ cấp", ông Nguyễn Hồng Hải lưu ý.
Tại hội nghị các đại biểu đã tập trung thảo luận những khó khăn, vướng mắc và đưa ra các giải pháp, định hướng phát triển các khu công nghiệp trong thời gian tới. Các đại biểu cho rằng, hiện nay việc đầu tư xây dựng các khu công nghiệp còn chậm so với quy hoạch được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Tỷ lệ thu hút nhà đầu tư thứ cấp lấp đầy khu công nghiệp còn thấp… Việc xúc tiến đầu tư và các kênh xúc tiến đầu tư chưa được đa dạng, chất lượng chưa cao... Các doanh nghiệp thứ cấp có quy mô nhỏ, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng GRDP tỉnh, nộp ngân sách còn khá khiêm tốn.
Theo ông Phạm Thế Sang, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghiệp Sông Bình, từ khi thành lập khu công nghiệp đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế xã hội cho địa phương, góp phần không nhỏ trong việc chuyển đổi ngành nghề cho người lao động tại địa phương; giải quyết được một phần nguyên liệu thô khoáng sản titan-zircon khai thác tại khu vực ven biển của tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên do đặc thù của Khu công nghiệp Sông Bình chế biến sâu titan, việc xúc tiến, kêu gọi dự án thứ cấp triển khai tại Khu công nghiệp Sông Bình còn hạn chế dẫn đến tỉ lệ lấp đầy chưa cao.
Do đó, thời gian tới để sớm thu hút lấp đầy diện tích đất khu công nghiệp, kiến nghị các cơ quan, ban, ngành hỗ trợ quảng bá, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp phù hợp với yêu cầu ngành nghề đầu tư trong khu công nghiệp, nhất là với các nhà đầu tư có tiềm lực, kinh nghiệm, sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại thân thiện với môi trường.
Ông Phùng Hữu Cư, Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Thuận cho biết, ngày 9/8/1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 164/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Thuận. Trải qua 25 năm đầu tư xây dựng và phát triển, đến nay Bình Thuận đã thu hút được 9 dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp với vốn đầu tư với vốn đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng và quy mô gần 3.000 ha.
Hiện nay, các khu công nghiệp đã thu hút được 87 dự án đầu tư thứ cấp còn hiệu lực; trong đó, có 62 dự án trong nước và 25 dự án đầu tư nước ngoài. Nâng tổng số vốn đầu tư thu hút là gần 24 nghìn tỷ đồng và 206 triệu USD. Trải qua 25 năm, Bình Thuận đã có nhiều quốc gia và cùng lãnh thổ đến đầu tư như Đài Loan (Trung Quốc), Belize, Nhật Bản, Samoa, Trung Quốc…
Các dự án đầu tư trong khu công nghiệp đóng vai trò thúc đẩy và mở rộng thị trường xuất khẩu, gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong khu công nghiệp bình quân hơn 75 triệu USD/năm. Giai đoạn 2021 đến nay, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp nộp 635 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. Các dự án đi vào hoạt động góp phần quan trọng trong vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; giải quyết việc làm cho lao động ngày càng nhiều. Đến nay có hơn 11.000 lao động làm việc trong các khu công nghiệp.