Thất bại nối tiếp thất bại, có những lúc trắng tay tưởng chừng phải bỏ cuộc, nhưng với trăn trở mong muốn làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, anh Nguyễn Thanh Tân ở ấp Phú Hòa 1, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long) đã thành công trên con đường khởi nghiệp và tạo bước đột phá cho nghề sản xuất lươn giống sinh sản bán nhân tạo.
Khởi nghiệp từ nghề nuôi lươn
Từ bỏ vị trí giám đốc của một công ty nước ngoài để về quê chọn con đường khởi nghiệp bằng nghề nuôi lươn, anh Nguyễn Thanh Tân chia sẻ, đó là hành trình không dễ dàng, nếu không có sự nỗ lực, quyết tâm và ủng hộ của người thân, chắc chắc sẽ không thể thành công.
Kể lại quá trình khởi nghiệp, anh Tân cho biết, sau thời gian tìm hiểu các mô hình làm kinh tế hiệu quả, anh nhận thấy lươn là loài thủy sản rất được thị trường ưa chuộng bởi có giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, do nhu cầu lớn và việc đánh bắt lươn tự nhiên theo kiểu tận diệt, lươn ngoài thiên nhiên ngày càng ít đi. Vì thế, đây sẽ là cơ hội tốt để phát triển nghề nuôi lươn nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho người tiêu dùng và có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2010, anh quyết định chọn nghề nuôi lươn để khởi nghiệp, bước đầu là nuôi lươn công nghiệp (không bùn).
Tuy nhiên, thời điểm này, các tài liệu tham khảo về khoa học kỹ thuật nuôi lươn như sách báo, cẩm nang… hay những lớp tập huấn chưa có nhiều. Do vậy, người nuôi lươn không nắm chắc được kỹ thuật để áp dụng vào thực tế. Thiếu kinh nghiệm, kế đến là con giống không đạt chất lượng do thu mua từ nhiều nguồn đánh bắt ngoài tự nhiên của người dân, hay lươn giống tự nhiên thuần dưỡng không đảm bảo nên sau khi thả nuôi, tỷ lệ hao hụt quá cao. Đợt lươn nuôi đầu tiên của anh bị thua lỗ nặng.
Không nản lòng, anh tiếp tục nuôi và dành thời gian tìm tòi, học hỏi thêm về kỹ thuật nuôi lươn. Nghe thông tin tại Trung tâm Giống An Giang đã chuyển giao thành công mô hình sản xuất lươn giống bán nhân tạo, anh Tân tìm đến tham quan và mua lươn giống về nuôi. Lần nuôi này, bước đầu, anh thành công nhưng hiệu quả chưa cao.
Thời điểm đó, lươn giống bán nhân tạo rất khan hiếm. Anh Tân nảy ra ý định tự sản xuất lươn giống bán nhân tạo để nuôi lươn thương phẩm. Tuy nhiên, do kỹ thuật chăm sóc không đúng, tỷ lệ lươn đẻ rất ít. Thất bại nối tiếp thất bại, vợ chồng anh không nản chí mà càng quyết tâm vượt qua khó khăn, tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện quy trình nuôi. Sau 3 năm vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, mô hình nuôi lươn giống bán nhân tạo của anh Tân bước đầu có tín hiệu khả quan. Tỷ lệ trứng nở càng ngày càng cao, từ 20% thành công ban đầu đã nâng dần lên 40%.
Trang trại của anh Tân rộng gần 20.000 m2, trong đó khu lươn bố mẹ rộng 15.000 m2, khu dưỡng lươn giống 800 m2 và khu lươn thương phẩm 3.000 m2. Anh Tân vui mừng cho biết, dự kiến hết năm 2020, trang trại sẽ sản xuất ra thị trường khoảng 3 triệu con giống và 12 tấn lươn thương phẩm. Tổng trị giá khoảng 9 tỉ đồng, sau khi trừ các chi phí lợi nhuận còn hơn 3 tỉ đồng.
Mở hướng đi mới cho nông dân
Khi con giống được sản xuất thành công và đảm bảo với số lượng lớn, anh Tân nghĩ đến việc thương mại hóa lĩnh vực này, đồng thời tạo thêm một nghề mới cho người dân tại quê hương để nâng cao thu nhập.
Theo anh Tân, phong trào nuôi lươn phát triển ở nhiều tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, chỉ một số ít người nuôi lươn không bùn thành công, đa phần đều thua lỗ. Nguyên nhân là do sự hiểu biết về kỹ thuật và kinh nghiệm của người dân còn nhiều hạn chế. Chất lượng con giống không đảm bảo, chủ yếu là nguồn lươn thuần dưỡng từ tự nhiên. Trong khi đó, lươn giống sinh sản bán nhân tạo lại ưu điểm là lớn nhanh, ít bệnh, có thể áp dụng được trong nhiều quy trình nuôi lươn công nghiệp hiện nay.
Anh Tân cho biết, thời điểm đó, thuyết phục được người nuôi lươn thương phẩm bằng lươn giống bán nhân tạo là hết sức khó khăn, do đa phần người dân đã quen với hình thức nuôi lươn giống tự nhiên thuần dưỡng. Để người dân thấy được thực tế hiệu quả mang lại từ lươn giống bán nhân tạo, giai đoạn đầu, anh hỗ trợ con giống và kỹ thuật nuôi cho vài hộ nuôi lươn thương phẩm ở các xã Đồng Phú và Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ. Điều đáng mừng là tất cả các hộ nuôi lươn phẩm điều thành công, từ đó tạo được niềm tin của nông dân đối với con lươn giống bán nhân tạo.
Theo anh Tân, nghề nuôi lươn thương phẩm không bùn có nhiều ưu điểm. Hộ nuôi không cần nhiều đất canh tác, cụ thể chỉ cần 1 hồ với rộng 6 m2, mỗi năm sản xuất được 400 kg lươn thương phẩm, lợi nhuận một hồ nuôi trung bình từ 30 - 50 triệu đồng mỗi năm. Thực tế cho thấy, trong năm 2020, ảnh hưởng của dịch COVID-19 và hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất xuất nông nghiệp, nhất là tình trạng nông sản rớt giá do không xuất khẩu được. Tuy nhiên, giá lươn giống, lươn thương phẩm vẫn ổn định và mang lợi nhuận khá cho hộ nuôi. Điều này đã góp phần cho việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long Trần Văn Trạch nhận định, mô hình lươn giống của anh Tân là một trong những bước đi đột phá. Dù nhiều lần thất bại, anh Tân vẫn kiên trì học hỏi, đúc kết kinh nghiệm để đạt được thành công như hôm nay. Hiện trang trại của anh đang sử dụng gần 40 lao động thời vụ và thường xuyên, thu nhập người lao động từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng tùy tính chất công việc. Không chỉ góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương, anh Tân còn hỗ trợ cho người dân có thêm nghề nuôi lươn để tăng thêm thu nhập, góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Hiện đại hóa ngành sản xuất lươn giống sinh sản bán nhân tạo
Mô hình nuôi lươn giống bán nhân tạo kết hợp nuôi lươn thương phẩm của anh Nguyễn Thanh Tân đang cho hiệu quả cao. Hiện anh đang mở rộng quy mô và tiếp tục cải tiến để hiện đại hóa ngành sản xuất lươn giống sinh sản bán nhân tạo. “Điều đặc biệt, đây là trang trại lươn giống duy nhất ở Việt Nam ấp trứng thành công bằng hệ thống máy ấp tự nghiên cứu, chế tạo, từ đó giảm được 70% công lao động so với ấp thủ công và tăng 30% năng suất giúp con giống khi ra đời có sức đề kháng tốt”, anh Tân khẳng định.
Hiện trang trại của anh đang liên kết với các đối tác để thiết kế hệ thống nuôi lươn tự động điều khiển bằng phần mềm tin học như: Thay nước tự động, cho ăn tự động, rửa hồ tự động…; nghiên cứu công thức tạo ra thức ăn công nghiệp phù hợp để nuôi lươn với giá thành rẻ, sạch bệnh, hợp tiêu chuẩn. Mặt khác, để kết nối với khách hàng cả nước, trang trại của anh đã thiết lập nền tảng thương mại điện tử trên internet, thành lập website với tên miền là “luongiongvinhlong.com”. Anh Tân cho biết, trung bình, mỗi ngày có gần 2.000 người truy cập để tìm thông tin về lươn. Đây cũng là website đầu tiên về lươn giống nhân tạo tại Việt Nam. Anh còn thành lập thêm các kênh youtube, zalo, facebook... để giới thiệu sản phẩm, hướng dẫn kỹ thuật nuôi lươn không bùn và tương tác với khách hàng.
Anh Tân cho biết, hiện anh và những người bạn của mình đã thành lập Công ty Cổ phần lươn công nghệ cao Vĩnh Long. Định hướng của Công ty trong thời gian tới là xây dựng quy trình chuẩn để sản phẩm con giống và lươn thương phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm cuối cùng từ lươn như: Bột dinh dưỡng từ thịt lươn, khô lươn, chả lươn, lươn làm sẵn, lươn đóng hộp đông lạnh… nhằm từng bước thâm nhập vào các siêu thị ở Việt Nam và xuất khẩu sang các thị trường khác.