Bộ Công Thương đưa ra loạt giải pháp giúp đủ điện 5 năm tới

Giai đoạn 2021 - 2025, Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt điện năng. Bộ Công Thương đã tham mưu trình Chính phủ nhiều giải pháp giúp Việt Nam có khả năng đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới.

Dự án chậm tiến độ đe dọa nguồn cung

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương về tình hình thực hiện quy hoạch điện VII, Quy hoạch điện VII điều chỉnh và phương hướng, kế hoạch thực hiện lập quy hoạch điện VIII, giai đoạn từ 2011 - 2019, tốc độ tăng trưởng phụ tải điện của cả nước luôn duy trì ở mức cao, trung bình là 10,5%/năm. 
Tính đến hết năm 2019, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 239 tỷ kWh tăng 2,35 lần so với năm 2010. Công suất phụ tải lớn nhất toàn hệ thống (Pmax) năm 2019 đạt .249 MW.

Cùng với đó, những năm qua ngành điện đã tập trung đầu tư và hoàn thành đưa vào vận hành khối lượng lớn các dự án nguồn và lưới điện. Tính đến hết năm 2019, tổng công suất đặt của hệ thống điện quốc gia đạt 54.880 MW.

Trong 5 năm đầu (2011-2015), ngành điện đã đưa vào vận hành khoảng 17.000 MW nguồn điện (bao gồm cả thủy điện nhỏ và năng lượng tái tạo), đạt hơn 81% khối lượng được giao trong giai đoạn 2011-2015 theo Quy hoạch điện VII.

Giai đoạn 2016-2020, tổng công suất đặt của hệ thống đạt khoảng 94% tổng công suất nguồn điện quy hoạch. Tuy vậy, khối lượng xây dựng nguồn điện truyền thống chỉ đạt khoảng 60% so với quy hoạch.

Về năng lượng tái tạo, hiện nay, tổng công suất điện gió và mặt trời là khoảng 5.800 MW, chiếm khoảng 10% tổng công suất nguồn của hệ thống.

Về lưới điện, đến cuối năm 2019, tổng chiều dài đường dây 500 kV là 8.496 km tăng 2,2 lần so với năm 2010; chiều dài đường dây 220-110 kV tăng từ 23.156 km lên 43.174 km (tăng 1,9 lần); dung lượng các trạm biến truyền tải cũng tăng khoảng 2,8 lần so với năm 2010.

Chú thích ảnh
Bộ Công Thương đề xuất nhiều giải pháp phát triển ngành điện trong thời gian tới. Ảnh: TTXVN.

Chỉ số tiếp cận điện năng Việt Nam cũng có bước tiến vượt bậc, chỉ trong vòng 5 năm (2013-2018) cải thiện thứ hạng được 129 bậc, từ vị trí 156/189 quốc gia, vùng lãnh thổ vào năm 2013 vươn lên vị trí 27/190 vào năm 2018 và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN.

Tuy vậy, nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ so với quy hoạch, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới. Tổng công suất các nguồn điện truyền thống có thể đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt gần 60%. 

Các dự án nguồn điện, đặc biệt là các dự án ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thường bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới.

Nguồn điện từ năng lượng tái tạo phát triển nhanh nhưng hệ thống truyền tải điện để giải tỏa công suất phát triển chưa đồng bộ. Một số dự án điện (chủ yếu điện mặt trời) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, với tổng công suất khoảng 690 MW đã phải hạn chế một phần công suất phát. Đến cuối năm 2020, khi các công trình lưới điện truyền tải đang thi công tại khu vực này được đưa vào vận hành thì tình trạng này mới được giải quyết.

Bên cạnh đó, nhiều dự án điện BOT bị chậm tiến độ do thời gian chuẩn bị đầu tư, đàm phán bộ hợp đồng BOT kéo dài (Vân Phong I, Vĩnh Tân III, Nghi Sơn II, Vũng Áng II, Nam Định I,... ).

Cùng với đó, sự mất cân đối nguồn cung điện giữa các vùng miền. Ở miền Bắc và miền Trung xảy ra tình trạng thừa cung, trong khi đó, ở miền Nam nguồn cung chỉ đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu.

Việc đảm bảo nhiên liệu cho phát điện ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu. Việt Nam đã phải nhập khẩu than và tới đây sẽ phải nhập khẩu LNG cho sản xuất điện. Ước tính cần nhập khoảng 60 triệu tấn than và 12 triệu tấn LNG vào năm 2030. Việc nhập khẩu năng lượng sơ cấp với khối lượng lớn nếu không có chiến lược phù hợp có thể tiềm ẩn rủi ro cho an ninh năng lượng.

Đặc biệt, việc huy động vốn cho các dự án điện gặp nhiều khó khăn. Trung bình mỗi năm nhu cầu vốn đầu tư cho nguồn và lưới điện khoảng 8-10 tỷ USD. Các tập đoàn nhà nước đều gặp khó khăn về tài chính nên việc huy động vốn cho các dự án của họ cũng gặp khó khăn. Các dự án nguồn điện do tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài cũng gặp khó khăn do yêu cầu cao từ các bên cho vay (bảo lãnh Chính phủ, chuyển đổi ngoại tệ …)

Đảm bảo đủ điện

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, giai đoạn 2021-2025, Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt điện năng. Cùng với đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID- 9, nhu cầu phụ tải trong giai đoạn tới về cơ bản sẽ thấp hơn so với các kết quả dự báo trước đây. Nhu cầu điện thương phẩm sẽ duy trì mức tăng khoảng 8% trong giai đoạn 2021-2030. Năm 2025 dự kiến đạt khoảng 337,5 tỷ kWh và năm 2030 dự kiến đạt khoảng 478,1 tỷ kWh.

Công suất nguồn điện năm 2030 dự kiến khoảng 1.000 MW, trong đó nhiệt điện than chiếm 27%, nhiệt điện dầu và khí chiếm 19%, thủy điện chiếm 18%, điện gió và mặt trời chiếm 28%, nhập khẩu 5%, còn lại là các nguồn khác.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư phát triển ngành điện, đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, Bộ Công Thương kiến nghị Quốc hội xem xét ban hành một Nghị quyết cho phép ngành điện thực hiện thí điểm một số chính sách chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành để hỗ trợ các chủ đầu tư dự án điện đẩy nhanh tiến độ các dự án. 

Bộ Công Thương đề xuất bổ sung thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 2.300 tỷ đồng đến dưới 5.000 tỷ đồng sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách do các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước làm chủ đầu tư. Kiến nghị thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án này thuộc về Thủ tướng Chính phủ.

Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình điện nhóm A đã có trong quy hoạch phát triển điện lực được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Công Thương kiến nghị cho phép chủ đầu tư không phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi mà được lập ngay Báo cáo nghiên cứu khả thi để quyết định đầu tư dự án.

Cùng với đó, cho phép áp dụng cơ chế Nhà nước cho vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư ưu đãi từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước hoặc được cấp bảo lãnh Chính phủ về vốn vay theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công đối với đầu tư phát triển dự án công nghiệp điện.

Đối với các dự án điện phải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì Bộ Công Thương kiến nghị cho phép Chủ đầu tư cam kết đảm bảo về bảo vệ môi trường (không phải thực hiện lập, trình phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường). Việc lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường sẽ được thực hiện trong giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi.

Đặc biệt, cho phép các dự án điện thuộc trường hợp là công trình được xây dựng theo lệnh khẩn cấp hoặc các công trình điện xây dựng nhằm đảm bảo an ninh cung cấp điện thì chỉ phải xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ mà không phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch. Đồng thời, Chính phủ xem xét ủy quyền cho các Bộ quản lý ngành một số nội dung công việc trong quá trình triển khai xây dựng và điều chỉnh các Quy hoạch ngành.

Thu Trang/Báo Tin tức
Thủy điện Sơn La đảm bảo an toàn hồ, đập trước diễn biến phức tạp của thời tiết
Thủy điện Sơn La đảm bảo an toàn hồ, đập trước diễn biến phức tạp của thời tiết

Thủy điện Sơn La là công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, chính vì vậy vấn đề đảm bảo an toàn hồ chứa và đập luôn được đặt lên hàng đầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN