Tập trung giải ngân vốn cao tốc Bắc Nam
Dự kiến, đến hết tháng 9/2022, Bộ GTVT giải ngân khoảng 27.027 tỷ đồng, đạt 53,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (gồm 2.933 tỷ đồng vốn nước ngoài, đạt 60,1% và 24.094 tỷ đồng vốn trong nước, đạt 53%).
Kết quả giải ngân hết tháng 9/2022 của Bộ GTVT vẫn duy trì ở mức cao hơn bình quân chung của các bộ, cơ quan Trung ương và bình quân chung cả nước (47%), nhưng chậm so với kế hoạch đã đề ra khoảng 670 tỷ đồng và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (61%).
Theo rà soát của Bộ GTVT, trong tổng số hơn 50.300 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước được giao năm 2022, đến nay, Bộ GTVT đã phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch. Trong đó, 3 đợt điều chỉnh kế hoạch đã được điều chỉnh với tổng số vốn điều chỉnh khoảng 4.869 tỷ đồng từ các dự án có kết quả giải ngân thấp cho các dự án có tiến độ thực hiện, giải ngân tốt, các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Riêng quý IV/2022, ước tính, Bộ GTVT cần giải ngân khoảng 21.000 tỷ đồng và giải ngân khoảng 2.300 tỷ đồng trong tháng 1/2023. Các nhóm dự án cần tập trung giải ngân gồm: 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn II 2021 - 2025 cần giải ngân khoảng 8.335 tỷ đồng (chủ yếu cho công tác giải phóng mặt bằng) và 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn I 20217 - 2020 cần giải ngân khoảng 5.106 tỷ đồng.
Các dự án ODA cần giải ngân khoảng 2.780 tỷ đồng, chủ yếu tập trung tại các dự án: Tân Vạn - Nhơn Trạch; tuyến nối Quốc lộ (QL) 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên; tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên; kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc; VRAMP; LRAMP; dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ sử dụng vốn vay EDCF (giai đoạn I); dự án nâng cấp, mở rộng QL9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến QL1.
Bên cạnh đó, các dự án quan trọng, cấp bách cần giải ngân hơn 1.900 tỷ đồng gồm: Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; nâng cấp cải tạo đường cất hạ cánh sân bay Nội Bài, sân bay Tân Sơn Nhất; các dự án đường sắt cấp bách; đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; dự án QL30 tuyến tránh Cao Lãnh.
Để đảm bảo tiến giải ngân, Bộ GTVT đang chỉ đạo các chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án giao thông rà soát, cập nhật kế hoạch thực hiện của các dự án khởi công mới, cụ thể theo các mốc tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư, thực hiện đầu tư tương ứng với nhu cầu sử dụng vốn năm 2022 để làm cơ sở đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện với từng dự án và điều hành tổng thể kế hoạch năm 2022.
Đôn đốc tiến độ hàng tuần
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi các Ban Quản lý dự án giao thông, chủ đầu tư và đơn vị trực thuộc về việc đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư những tháng cuối năm 2022, yêu cầu rà soát kế hoạch vốn tại từng dự án, đôn đốc tiến độ từng tuần và có giải pháp phù hợp để đạt được mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao năm 2022.
Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu các Ban Quản lý dự án giao thông, chủ đầu tư có kết quả giải ngân kế hoạch dưới mức trung bình của Bộ kiểm điểm làm rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp cụ thể, hiệu quả để đẩy mạnh giải ngân trong các tháng cuối năm 2022; đồng thời, rà soát lại toàn bộ tiến độ thực hiện của các dự án triển khai trong năm 2022 để điều chỉnh kế hoạch vốn phù hợp với tiến độ thực hiện theo hướng trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, chia cắt gây lãng phí nguồn lực và chậm trễ trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công.
Để giải ngân 100% kế hoạch năm của Thủ tướng Chính phủ giao, từ tháng 9 đến cuối năm 2022, Bộ GTVT cần giải ngân khoảng 28.133 tỷ đồng, trung bình mỗi tháng, khối lượng giải ngân khoảng 4.000 tỷ đồng. Trường hợp dự kiến giải ngân không hết kế hoạch năm 2022 đã được giao hoặc có nhu cầu bổ sung vốn, Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư cần có văn bản đề xuất điều chỉnh tăng/giảm kế hoạch gửi Bộ GTVT.
Đặt mục tiêu phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, Bộ GTVT đặc biệt chú trọng các dự án trọng điểm phải hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành trong năm 2022 như: Các dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, các dự án đường sắt cấp bách, Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, tuyến nối QL91 với tuyến tránh Long Xuyên, kết nối Tây Nguyên, kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, tuyến tránh QL1A qua Cà Mau, tuyến tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột, tuyến kết nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình...
Qua tìm hiểu, các Ban Quản lý dự án giao thông hiện có kết quả giải ngân chưa đáp ứng yêu cầu của Bộ GTVT như: Ban Quản lý dự án Đường sắt giải ngân 1.046 tỷ đồng (56,96%), chậm 93 tỷ đồng; Ban Quản lý dự án 6 giải ngân 1.970 tỷ đồng (50,7%), chậm 187 tỷ đồng; Ban Quản lý dự án 2 giải ngân 1.472 tỷ đồng (đạt 44%), chậm 227 tỷ đồng. Ngoài ra, Sở GTVT Hải Dương giải ngân 18 tỷ đồng (30,4%), chậm 10 tỷ đồng; Sở GTVT Đồng Tháp giải ngân 73 tỷ đồng (26,9%), chậm 34 tỷ đồng; Sở GTVT Thái Bình giải ngân 78 tỷ đồng (22,5%), chậm 56 tỷ đồng…