Bộ Giao thông vận tải quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công sau Tết

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của ngành Giao thông vận tải (GTVT) đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng kinh tế, với tỷ lệ và giá trị giải ngân lớn là cứu cánh cho giải ngân của cả nước.

Tư duy, cách làm mới

Nhìn lại năm 2022 với nhiều thắng lợi của ngành GTVT, công tác giải ngân vốn đầu tư công là “điểm sáng” thể hiện sự đột phá mạnh mẽ. Dự kiến hết ngày 31/1/2023, Bộ GTVT sẽ giải ngân gần 96% tổng kế hoạch được giao năm 2022.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, năm 2022 là năm khó khăn trong triển khai các dự án xây dựng. Các dự án giao thông đã gặp nhiều trở ngại khi giá thép xây dựng đạt mức cao nhất, giá xi măng có tới 4 lần tăng giá, bão giá vật liệu tác động mạnh đến các công trình, làm đình trệ nhiều dự án vốn đầu tư công. Song, Bộ GTVT đã hỗ trợ nghiệm thu 16 công trình giao thông trọng điểm.

Chú thích ảnh
Bộ Giao thông vận tải quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công sau Tết bằng tiến độ, chất lượng công trình.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy khẳng định, Bộ GTVT đã tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ công tác giải ngân và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Việc triển khai đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được Bộ GTVT đặc biệt chú trọng và thực hiện với tư duy mới, cách làm mới, đảm bảo cả 3 mục tiêu: Chất lượng, tiến độ, hiệu quả. Cụ thể, Bộ GTVT đến nay đã phân bổ và giao chi tiết kế hoạch cho các nhiệm vụ, dự án đúng quy định, phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, có trọng tâm, trọng điểm, điều hành kế hoạch linh hoạt, kịp thời; gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc bảo đảm tiến độ và chất lượng giải ngân.

Kết quả năm 2022, Bộ GTVT đã thẩm tra, quyết toán 88 dự án, hạng mục công trình hoàn thành, với tổng giá trị là 53.127 tỷ đồng. Bộ GTVT đã chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các đơn vị tư vấn thường xuyên rà soát các định mức mới chưa được công bố hoặc đã được công bố nhưng chưa phù hợp, để điều chỉnh kịp thời. Đáng chú ý, có 171 định mức xây dựng đã được Bộ GTVT hoàn thành gửi Bộ Xây dựng xin ý kiến, 40 định mức hoàn thành khảo sát và đang hoàn thiện hồ sơ, 79 định mức đang được khảo sát, còn lại 235 định mức sẽ tiếp tục xây dựng trong giai đoạn tiếp theo phù hợp với tiến độ thi công các công trình...

Qua tìm hiểu, nhiều năm trở lại đây, Bộ GTVT liên tục được giao khối lượng giải ngân “khổng lồ”, năm sau phá kỷ lục năm trước. Quyết tâm của Bộ GTVT đang “nóng” với những con số ấn tượng. Đến đầu năm 2023, Bộ GTVT đã đặt quyết tâm cao, phấn đấu giải ngân toàn bộ nguồn vốn đầu tư công được bố trí cả năm là 94.161 tỷ đồng, cao gấp 1,7 lần so với kế hoạch năm 2022.

Trên thực tế, khối lượng giải ngân của ngành GTVT chỉ có thể được hoàn thành nếu tiến độ hàng loạt công trình giao thông trọng điểm được triển khai đúng tiến độ, chất lượng. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cũng là nhiệm vụ đáng chú ý nhất của ngành GTVT trong giai đoạn hiện nay. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực lớn để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên các dự án quan trọng có tính chất động lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu đến năm 2025 cả nước ta sẽ có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc và cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau, hoàn thành giai đoạn 1 Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, chuẩn bị đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và triển khai một số dự án nâng cấp, đầu tư mới các cảng hàng không, cảng biển, luồng hàng hải - đường thủy nội địa quan trọng khác…

Sự kiện nổi bật nhất của ngành GTVT trong năm 2023 là khởi công đồng loạt toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn II 2021 - 2025 ngay ngày đầu tiên của năm. Liên quan đến đại công trình này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: "Giải phóng mặt bằng đến đâu phải khởi công ngay đến đó. Khởi công nhanh mới giải ngân nhanh”.

Nâng tầm năng lực giải ngân

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho hay, định hình rõ thách thức năm 2023, Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch đầu tư và bố trí nguồn vốn có ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt là kịp thời điều hòa, điều chỉnh vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ chế đột phá để huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo phương châm vốn Nhà nước là vốn mồi, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Năm 2023, Bộ GTVT sẽ tập trung xây dựng và triển khai các kế hoạch thực hiện các quy hoạch chuyên ngành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, tiết giảm các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại trong thiết kế, tổ chức xây dựng, khai thác, quản lý các công trình kết cấu hạ tầng giao thông. Bộ GTVT cũng sẽ hoàn thiện nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường để làm cơ sở phục vụ cho các dự án giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, Bộ GTVT sẽ hoàn thiện phương án, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý dứt điểm vướng mắc, bất cập tại một số dự án BOT; phối hợp, hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản triển khai các dự án giao thông đáp ứng tiến độ, chất lượng yêu cầu.

Về những nhiệm vụ thực hiện ngay sau Tết Nguyên đán, Bộ GTVT cho biết sẽ quyết liệt triển khai kế hoạch đầu tư công và các công trình giao thông trọng điểm năm 2023. Trong đó, sẽ tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

"Đẩy mạnh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm. Coi nhiệm vụ giải ngân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án ngay từ đầu năm. Kịp thời điều hòa, điều chỉnh từ các dự án giải ngân chậm, các dự án không có nhu cầu giải ngân sang các dự án giải ngân nhanh, có nhu cầu giải ngân", Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Những khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật, nguồn vật liệu các dự án trọng điểm đang được Bộ GTVT tập trung tháo gỡ. Đặc biệt, dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn II đang được các địa phương khẩn trương bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật, hoàn thành trong quý II/2023; dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn I các đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, cầu Mỹ Thuận 2... đảm bảo hoàn thành trong năm 2023.

Ngoài ra, Bộ GTVT phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam khẩn trương lựa chọn nhà thầu xây lắp để khởi công công trình nhà ga hành khách thuộc dự án thành phần 3 - Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong quý I/2023; chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam hoàn thành lựa chọn nhà thầu 3 gói thầu xây lắp và đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu còn lại của dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành...

Đăng Sơn/Báo Tin tức
Năm 2023, cần có hướng xử lý áp lực về lạm pháp và giải ngân vốn đầu tư công
Năm 2023, cần có hướng xử lý áp lực về lạm pháp và giải ngân vốn đầu tư công

Nhìn nhận về những thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong năm 2023, ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho rằng, thời gian tới có 2 vấn đề nổi lên là áp lực về lạm pháp và giải ngân vốn đầu tư công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN