Đánh giá nhiệm vụ trong quý II/2023 là hết sức nặng nề, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải tập trung cao độ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát các chỉ đạo của Trung ương, lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các nghị quyết, chỉ thị, công điện, kết luận, các văn bản chỉ đạo để tham mưu, triển khai kịp thời các nhiệm vụ, đảm bảo tiến độ, chất lượng, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị chung của Bộ Giao thông Vận tải.
Một trong những trọng tâm hàng đầu của Bộ Giao thông vận tải trong năm 2023 là việc đầu tư, xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án phải nêu cao tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, đặc biệt là các dự án hoàn thành trong năm 2023 và 3 dự án cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây hoàn thành trước 30/4/2023; đồng thời, khẩn trương hoàn thành các thủ tục theo quy định để khởi công các dự án có kế hoạch khởi công năm 2023.
Cục Quản lý đầu tư xây dựng được Bộ trưởng yêu cầu phải theo dõi, chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm chất lượng dự án; chủ động xử lý ngay những vướng mắc thuộc thẩm quyền, kịp thời báo cáo Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức chức hội nghị với các địa phương để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức, triển khai dự án.
Cục Đường cao tốc Việt Nam được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án BOT do Bộ Giao thông Vận tải quản lý theo tiến độ yêu cầu; hoàn thiện hồ sơ và thủ tục liên quan để có thể triển khai mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam trong thời gian sớm nhất; chủ động tham mưu phương án giải quyết, tháo gỡ cho các dự án BOT dự kiến bị ảnh hưởng doanh thu khi các tuyến cao tốc mới chuẩn bị đưa vào khai thác.
Đồng thời phối hợp với Cục Quản lý đầu tư xây dựng và các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản các dự án đường bộ cao tốc để hoàn chỉnh các thủ tục về đầu tư xây dựng, sớm khởi công các dự án trước ngày 30/6/2023. Phối hợp với các địa phương hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, TP Hồ Chí Minh - Chơn Thành.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giao Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, theo dõi, đôn đốc, tham mưu Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo kịp thời tiến độ triển khai nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ.
ộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thống nhất chủ trương giao Cục Quản lý đầu tư xây dựng là cơ quan chuyên môn về xây dựng đối với 3 dự án đường bộ cao tốc đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công tư), gồm: Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Nha Trang - Cam Lâm. Cục Đường cao tốc Việt Nam tiếp tục tham mưu về quản lý hợp đồng BOT. Bộ trưởng giao Vụ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì rà soát, tham mưu Bộ điều chỉnh quyết định phân giao làm căn cứ triển khai thực hiện.
Trong lĩnh vực đăng kiểm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam khẩn trương khôi phục lại hoạt động của các trung tâm đăng kiểm khi đủ điều kiện và triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp để khắc phục tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm trong thời gian sớm nhất, nhất là tại khu vực TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Đồng thời phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ, các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong đó lưu ý nghiên cứu tách bạch chức năng quản lý nhà nước và hoạt động cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực đăng kiểm, đảm bảo công khai, minh bạch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cục Đăng kiểm Việt Nam phải khẩn trương rà soát lại định mức, đơn giá dịch vụ đăng kiểm để phù hợp với thực tiễn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đăng kiểm phương tiện để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong hoạt động kiểm định. Đồng thời phối hợp với Vụ Khoa học, công nghệ và Môi trường khẩn trương hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới để trình Chính phủ trước ngày 22/4/2023.
Trong đó lưu ý nghiên cứu quy định về kiểm soát số lượng, chất lượng các trung tâm đăng kiểm; các quy định cần "có đóng, có mở" để đảm bảo cân bằng giữa cung và cầu, phù hợp với nhu cầu của từng địa phương và toàn xã hội, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ đăng kiểm.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giao thông Vận tải, tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu cục quản lý chuyên ngành phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan của các bộ, ngành, địa phương, nhất là của Bộ Công an để triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tổ chức hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ, công khai minh bạch hoạt động vận tải để đảm bảo an toàn, thuận lợi cho người dân tham gia giao thông dịp nghỉ lễ 30/4, mùng 1/5 và mùa du lịch hè 2023.