Văn bản của Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được yêu cầu kiểm tra, rà soát, phạm vi, đối tượng, mức giảm giá, đảm bảo phù hợp với chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải. Đồng thời, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chịu trách nhiệm thống nhất với ngân hàng cho vay vốn dự án để có sự đồng thuận của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND TP Hải Phòng và tỉnh Hải Dương hỗ trợ, chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án trong quá trình thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ; giảm giá đúng đối tượng, phạm vi và mức giảm giá.
Bên cạnh đó, chỉ đạo lực lượng chức năng có giải pháp hiệu quả, giữ vững an ninh trật tự, đảm bảo giao thông tại trạm thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ Tiên Cựu, không để xảy ra ùn tắc giao thông tại khu vực trạm thu phí; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, tránh hiện tượng cản trở, lôi kéo, kích động gây rối, phá hoại tài sản trạm thu giá, làm mất trật tự xã hội.
Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải về giảm mức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu phí Tiên Cựu. Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất giảm 100% cho các loại phương tiện thuộc nhóm 1 (xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải dưới 2 tấn) và xe buýt nội tỉnh.
Giảm 50% cho các loại phương tiện tuộc nhóm 2 (xe 12-30 chỗ ngồi, xe tải 2-4 tấn) cho các phương tiện thuộc các tổ chức, cá nhân có hộ khẩu thuộc các xã trong phạm vi bán 5 km xung quanh trạm thu phí Tiên Cựu, bao gồm các xã: Quang Trung, Quốc Tuấn (An Lão), Đại Thắng, Tiên Cường, Tự Cường, Tiên Tiến, Quyết Tiến, Khởi Nghĩa (Tiên Lãng), Giang Biên, Dũng Tiến (Vĩnh Bảo).
Theo Bộ Giao thông Vận tải, cả nước hiện có 88 trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức BOT; trong đó, Bộ Giao thông Vận tải quản lý 74 trạm, UBND các tỉnh quản lý 14 trạm.