Nhiều nông dân không nhận diện được đối tượng gây hại cũng như thời điểm phòng trừ thích hợp nên cây điều khô bông, trái non bị héo khô.
Vườn điều 4,5 ha của gia đình bà Trần Thị Nhiều ở xã Đức Hạnh vài năm trở lại đây luôn cho năng suất trung bình từ 8 - 9 tấn một vụ. Vụ điều năm nay, dù mỗi lần thu hái cách nhau cả tuần nhưng dưới gốc cây chỉ lác đác một số cây có trái rụng.
Trong khi đó, nhiều cây có biểu hiện khô bông và trái non trong ra đợt 2. Một số khác dù đã ra hạt nhưng trái không phát triển mà chỉ nhỏ bằng ngón tay có màu xám, thân trái nứt nẻ. Trước đó, gia đình bà Nhiều cũng đã xịt thuốc dưỡng bông, dưỡng trái tới 2 đợt.
Bà Trần Thị Nhiều buồn rầu cho biết, hơn một nửa vườn điều bị tình trạng này. Gia đình đã xịt 2 lần thuốc, cây ra bông 1 lần, đậu trái 1 lần, nhưng hiện nay trái khô mà không biết lý do tại sao.
Vườn điều gần 6 ha của chị Nguyễn Thị Công cùng ở xã Đức Hạnh cũng xuất hiện tình trạng tương tự dù trước đó chị đã xịt thuốc dưỡng bông, dưỡng trái và phòng trừ bọ xít. Tuy nhiên, những bông nở sớm lại có hiện tượng bị khô, tỷ lệ đậu trái ít, chị Công nghi ngờ hiện tượng này có thể là do tác động của sương muối. Năm nay chị cũng xịt thuốc 2 lần, lần đầu lúc rụng hết lá và ra đọt, đợt sau là lúc hoa đã nở hết.
Hộ gia đình ông Điểu Srô ở xã Bù Gia Mập hiện có 3 ha điều cũng đang ngao ngán khi vườn điều ra bông đợt 2 hầu như bị khô, trái non đen và rụng. Đứng rung bông điều khô, ông Srô không khỏi xót xa. Ông Srô cho biết, năm nay vườn điều đợt đầu ra bông ít nên trái giờ nhặt không được bao nhiêu. Ông chỉ hy vọng đợt 2 khi vườn bông trổ rất nhiều, tuy nhiên trong tuần vừa qua thì bông khô hết.
Mặc dù, hiện nay vườn điều của một số nông dân huyện Bù Gia Mập đang có những biểu hiện chung là khô bông, khô trái non, trái chậm phát triển nhưng đa số bà con lại không biết chính xác nguyên nhân. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng địa phương thì tình trạng này trên cây điều là do bọ trĩ xâm hại.
Kỹ sư Phan Văn Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Gia Mập cho biết, đối với niên vụ điều năm 2019-2020, đối tượng gây hại chính trên cây điều mà đơn vị ghi nhận ở huyện Bù Gia Mập là bọ trĩ. Bọ trĩ tấn công bông sẽ bị khô, hay giai đoạn tiếp theo là trái bằng hạt đậu đen thì cũng khô. Tiếp theo dù cây điều đã lộn hột, bọ trĩ cũng tấn công gây nứt trái, trái không truyền được dinh dưỡng dẫn đến hạt bé, không chắc.
Do bọ trĩ là loài côn trùng có kích thước rất nhỏ chưa tới 1 milimet, có khả năng bay rất nhanh, ngụy trang bằng màu sắc tốt nên bằng mắt thường bà con khó có thể nhận ra để phòng trừ. Mặc dù, nhiều vườn điều bà con đã phun thuốc diệt côn trùng, nhưng bọ trĩ chỉ xuất hiện trong một vài thời điểm. Cho nên chỉ cần phun thuốc sai thời điểm vài ngày thì gần như không có hiệu quả phòng trừ.
“Nhà nông cần thăm vườn thường xuyên để phát hiện sâu bệnh. Khi xịt thuốc chú ý đúng thời điểm mới hiệu quả. Còn nếu để bọ trĩ xâm hại rồi thì xịt 5 -7 lần cũng không hiệu quả. Bà con hay hỏi tôi xịt rồi mà vẫn khô bông, khô trái thì nguyên nhân là do xịt không đúng thời điểm”, kỹ sư Hà cho biết thêm.
Hiện nay, trên địa bàn toàn huyện Bù Gia Mập có rất nhiều diện tích điều bị bọ trĩ tấn công ở mức độ ảnh hưởng khác nhau tuy theo khu vực, điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất vườn cây, cũng như chất lượng hạt về sau. Do cây điều mỗi vụ ra từ 2 - 3 đợt bông nên nhà nông cần tham khảo cơ quan chuyên môn để nắm bắt chính xác thời điểm phòng trừ sâu bệnh cho những đợt ra bông sắp tới để năng suất, chất lượng tốt hơn.