Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đây là lúc chúng ta lấy lại niềm tin cho hợp tác xã. Niềm tin này không chỉ là nông dân tham gia vào hợp tác xã mà cả bộ máy chính trị. Niềm tin đó sẽ tạo ra nguồn vốn, nguồn lực cho hợp tác xã.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đánh giá, từ khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng có Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, tiếp đến là Luật Hợp tác xã… khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, có tương đối đồng đều ở các địa phương nhất là các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Đặc biệt, xu hướng hiện nay là ngày càng nhiều lao động trẻ có chuyên môn cao khởi nghiệp bằng mô hình hợp tác xã. Như trong 13 mô hình hợp tác xã hiệu quả ở Đồng bằng sông Cửu Long có đến 10 hợp tác xã có giám đốc là lao động trẻ, vì nhiều lao động trẻ ở Tp. Hồ Chí Minh quay về nông thôn xây dựng mô hình này.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, sự huy động nguồn lực của bản thân hợp tác xã và các chính sách hỗ trợ của nhà nước về xúc tiến thương mại, đầu tư, đào tạo, nâng cao kiến thức quản lý… đi vào cuộc sống. Người dân trong hợp tác xã thực sự được hưởng thụ thành quả dù số lượng chưa lớn.
Con số thống kê cho thấy, có khoảng 40% sản phẩm OCOP là do các tổ hợp tác, hợp tác xã; 70% sản lượng lương thực là của hợp tác xã; rau củ quả, cây công nghiệp cũng chiếm 40% trở lên, hợp tác xã cũng phát triển mạnh trong vận tải… Điều này cho thấy, mô hình hợp tác xã có thể phát triển ở tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội.
“Sản xuất theo chuỗi giá trị, tuần hoàn, sản xuất xanh, đảm bảo bền vững không còn cách nào khác là các hộ cá thể và cả doanh nghiệp phải tham gia vào hợp tác xã. Đây là mô hình tất yếu của trong nước và thế giới’, ông Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định.
Liên quan đến việc các cơ quan chức năng đang sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã, ông Lê Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại thủy sản Xuyên Việt, tỉnh Hải Dương cho biết, các điều chỉnh, sửa đổi trong dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi đang được hợp tác xã rất quan tâm. Đó là những quy định về: mở rộng đối tượng thành viên; nâng mức góp vốn; không giới hạn việc quy định trong cung cấp dịch vụ của hợp tác xã cho thành viên, tạo hợp tác xã phát triển thoải mái hơn, thi đua sản xuất tốt hơn.
Là thành viên trong Ban soạn thảo sửa đổi Luật Hợp tác xã, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, Luật Hợp tác xã sửa đổi sẽ phải tạo động lực cho hợp tác xã trong giai đoạn mới phù hợp với phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, tạo khuôn khổ pháp luật để người dân tự nguyên tham gia, có sự quản trị dân chủ; huy động được nguồn lực của các thành viên hợp tác xã, các chính sách của nhà nước.
Những khó khăn của hợp tác xã hiện nay được ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra là do hai điểm nghẽn lớn nhất là đất đai về vốn.
Riêng về vốn, ông Trần Duy Đông cho biết, Luật Hợp tác xã sửa đổi sẽ có nhiều điểm mới để hợp tác xã tiếp cận vốn dễ dàng hơn là phải minh bạch, phải được kiểm toán. Cho phép cho tài sản chung của hợp tác xã không chia sẻ được thế chấp ngân hàng, trừ khoản hỗ trợ nhà nước. Cùng với đó là đẩy mạnh khuyến khích các thành viên góp vốn, tạo điều kiện cho vốn của hợp tác xã phong phú hơn trong thời gian tới.