Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra phòng, chống hạn mặn tại Vĩnh Long

Chiều 10/2, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác đã làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Long về công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Long. 

Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Long, từ đầu mùa khô (2019-2020) đến nay, tỉnh bị ảnh hưởng bởi hai đợt xâm nhập mặn kỷ lục. Riêng trong đợt xâm nhập mặn vào đầu tháng 1/2020 đỉnh mặn tại các điểm đo dọc sông Cổ Chiên và sông Hậu đều vượt đỉnh mặn lịch sử năm 2016 từ 0,4 đến 2 phần nghìn. Trên sông Cổ Chiên, tại huyện Vũng Liêm độ mặn đạt từ 6,2 - 10 phần nghìn; trên sông Hậu, tại huyện Trà Ôn đạt từ 2 - 6,9 phần nghìn.

Ước tính, tại các huyện vùng nhiễm mặn cao, như: Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít, Tam Bình hơn 10.000 ha lúa Đông Xuân, 23.890 ha cây lâu năm thiếu nước tưới trong vòng một tuần do cống phải đóng lại để ngăn mặn. Đồng thời, 31 nhà máy nước, trạm cấp nước sạch phục vụ trên 66.200 hộ bị ảnh hưởng của nạn xâm nhập mặn trong khoảng 10 ngày.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón cho biết, để chủ động ứng phó, tỉnh thông tin nhanh về diễn biến, dự báo tình hình hạn, mặn thông qua hệ thống tin nhắn SMS ít nhất hai lần/ngày gửi tới lãnh đạo các cấp từ tỉnh đến xã để chỉ đạo ứng phó; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, có biện pháp để phòng, chống. Nhờ có bước chủ động trước và từ bài học kinh nghiệm trong phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn mà trong những năm qua, đặc biệt là từ mùa khô năm 2015-2016 đến nay, nên tình trạng xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp không lớn; hiện tại chưa ghi nhận thiệt hại đáng kể trên hai lĩnh vực này tại tỉnh.

Nhân dịp này, Vĩnh Long kiến nghị Trung ương hỗ trợ đầu tư thực hiện các dự án, công trình giao thông phục vụ xây dựng nông thôn mới tại huyện Vũng Liêm (có tổng mức đầu tư là 67,5 tỷ đồng) từ nguồn kết dư của Dự án nạo vét kênh Ngã Hậu-Mây Phốp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư. Ngoài ra, tỉnh cũng kiến nghị Trung ương hỗ trợ thực hiện nạo vét kênh La Ghì-Trà Côn (huyện Trà Ôn) để phục vụ 30.000 ha gieo trồng với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng; thực hiện hệ thống thủy lợi Cái Cá-Mây Tức (huyện Vũng Liêm) có diện tích phục vụ 45.000 ha với tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng...

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường biểu dương tỉnh Vĩnh Long đã triển khai các giải pháp chủ động phòng, chống, ứng phó với hạn, mặn, không để xảy ra thiệt hại đến sản xuất, dân sinh.

Phát huy kết quả này, theo Bộ trưởng, tỉnh cần tiếp tục rà soát, đánh giá để có kế hoạch bảo vệ số diện tích còn lại của lúa Đông Xuân 2019- 2020, cân nhắc chuyển đổi diện tích lúa Xuân Hè trái vụ sang trồng màu, nhằm giảm áp lực về nguồn nước. Đối với diện tích cây lâu năm, tỉnh phải dự báo sát diễn biến tình hình xâm nhập mặn để thông tin cho người dân không lấy nước trong những ngày độ mặn lên cao; vận động từng gia đình, từng khu vực cân đối, dự trữ nguồn nước ngọt tại vườn để phục vụ nhu cầu tưới tiêu. Đối với cây rau màu, tỉnh phải rà soát tổng thể để bố trí cơ cấu nhóm giống phù hợp với diễn biến tình hình hạn hán, xâm nhập mặn để hình thành một chỉnh thể thích ứng với việc sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt.

Về nước sinh hoạt, Vĩnh Long cần đánh giá chi tiết phương án cấp nước sạch cho hộ dân nông thôn trên địa bàn. Trong đó, tỉnh cần chú trọng việc hoàn thiện các công trình cấp nước; xây dựng được phương án cấp nước cụ thể cho từng nhà máy nước, trạm cấp nước trong những ngày hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra, chú ý không để ảnh hưởng đến chất lượng nước. Mặt khác, tỉnh tiếp tục phát huy kết quả tích cực của công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân tham gia thực hiện các giải pháp chủ động phòng chống, ứng phó với hạn, mặn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu tỉnh Vĩnh Long sau khi kết thúc mùa hạn năm nay cần đánh giá, tổng kết cụ thể về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra trên địa bàn, cũng như các giải pháp phòng, chống. Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp và các ngành liên quan có trách nhiệm tham mưu cho tỉnh điều chỉnh, hoàn thiện tái cơ cấu nông nghiệp tổng thể, biến thách thức thành cơ hội để thích ứng và chủ động với biến đối khí hậu.

Cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã đến khảo sát thực địa công tác ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn tại huyện Vũng Liêm, gồm: công trình kênh Ngã Hậu- Mây Phốp, cống Vũng Liêm.

Tin, ảnh: Phạm Minh Tuấn (TTXVN)
Cảnh báo tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn tại Cần Thơ
Cảnh báo tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn tại Cần Thơ

Mặc dù nằm ngay trung tâm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhưng trước tình hình khô hạn và xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt hiện nay, khả năng thiếu nước ngọt cũng như xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay có thể diễn ra trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN