Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Lấy sức ép cạnh tranh là động lực phát triển

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra giữa 2 siêu cường kinh tế. Đây không chỉ là cuộc chiến cạnh tranh thương mại đơn thuần, bởi Mỹ không chỉ gây cuộc chiến thương mại với Trung Quốc mà còn chủ động áp dụng nhiều chính sách về thuế và rào cản thương mại với cả các đồng minh của mình.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: TTXVN

Vậy điều này ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam và trước những diễn biến khó lường, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã đưa ra những nhận định xung quanh vấn đề này.

Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trong một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Bộ trưởng dự báo như thế nào về tác động của cuộc chiến này đối với kinh tế Việt Nam?

Mặc dù chưa bị cuốn vào cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nhưng là nước đang tham gia tích cực vào việc hình thành và phát triển của chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam chắc chắn không tránh khỏi chịu những tác động nhất định.

Vừa qua, Việt Nam đã chứng kiến nhiều xáo trộn trên thị trường quốc tế như việc biến động của tỷ giá và thị trường chứng khoán ở nhiều nước, việc tăng giá của một số hàng hóa cơ bản như xăng dầu… Các bất ổn này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng. Do vậy, nếu để kéo dài sẽ ảnh hưởng bất lợi đến tăng trưởng, lạm phát, công ăn việc làm và nhiều khía cạnh khác của kinh tế vĩ mô.

Cùng với đó, các hàng rào thương mại được dựng lên sẽ tác động đến chuỗi sản xuất trong khu vực và trên thế giới. Hơn nữa, Việt Nam nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương là khu vực được đánh giá sẽ chịu ảnh hưởng mạnh nhất của chiến thương mại. Không những thế, các bất ổn về thương mại cũng gây khó khăn nhất định cho doanh nghiệp và người sản xuất nên đòi hỏi các cơ quan quản lý cần có hành động nhanh nhạy và quyết liệt hơn.

Đơn cử như việc hàng hóa dư thừa của nước ngoài có thể tràn vào Việt Nam hay rủi ro hàng nước ngoài đi qua đường Việt Nam để vào thị trường các nước khác. Có thể nói, tác động của cuộc chiến đối với Việt Nam không mang tính trực tiếp như đối với một số đối tác khác.

Dù là nước có độ mở kinh tế lớn, nhưng Việt Nam đã theo đuổi các chính sách kinh tế vĩ mô hết sức thận trọng. Vì vậy, về ngắn hạn sẽ có một số diễn biến bất lợi nhưng dài hạn vẫn đủ sức chống chọi với các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế.

Minh chứng rõ rệt nhất là việc Tổ chức đánh giá hệ số tín nhiệm tín dụng quốc gia Fitch vừa qua đã nâng hạng đánh giá tín nhiệm quốc gia của Việt Nam. Điều này thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế với các chính sách đang được Chính phủ thực hiện.

Đặc biệt, Việt Nam cũng có các dự phòng nhất định, nhất là việc thúc đẩy ký kết và phê chuẩn một số hiệp định thương mại tự do mới như: Hiệp định Đối tác chiến lược Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do với EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)... để giảm thiểu rủi ro và tìm các thị trường mới cho doanh nghiệp.

Hơn nữa, Luật Quản lý Ngoại thương được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 đã có các biện pháp cụ thể để tăng cường hiệu quả của quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu. Đặc biệt, thời gian qua Việt Nam đã chủ động hơn trong việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để chống lại các diễn biến bất lợi của biến động trong thương mại quốc tế.

Do đó, dù quan ngại về các diễn biến thương mại quốc tế nhưng chúng ta vẫn hoàn toàn tin tưởng về khả năng của nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua được các khó khăn. Tất nhiên, điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cần chủ động hơn để kịp thời nắm bắt các diễn biến mới và có bước đi kịp thời.

Việc tham gia sâu rộng vào các hệ thống thương mại đa phương như WTO, AFTA, APEC… thời gian qua giúp Việt Nam đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần làm gì để tận dụng một cách hiệu quả hơn những lợi thế mà các cơ chế này mang lại?

Sau hơn 30 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, Việt Nam đã từng bước hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới,  đồng thời mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước, tham gia tích cực và có trách nhiệm tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế. So với năm 1986 nếu kim ngạch xuất khẩu đạt 789,1 triệu USD thì kim ngạch xuất khẩu năm 2013 tăng gấp khoảng 167 lần (132,2 tỷ USD) và năm 2017 tăng gấp 271 lần (213,77 tỷ USD).

Vận chuyển container tại cảng Chùa Vẽ, Hải Phòng. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Để tận dụng được cơ hội và khai thác được những lợi ích mà hội nhập kinh tế quốc tế mang lại, tôi cho rằng trước hết cần phổ biến rộng rãi cam kết của các hiệp định thương mại tự do (FTA) cho người dân và các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng. Đồng thời, phổ biến các cam kết đối với các ngành hàng cụ thể để chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh theo hướng tận dụng tối đa cơ hội và giảm thiểu thách thức.

Ngoài ra, Quốc hội và Chính phủ xem xét, điều chỉnh hệ thống pháp luật sao cho phù hợp với các cam kết quốc tế và tận dụng được những cam kết này để phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư... tạo thuận lợi về môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp và hướng cho doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi giá trị khu vực có lợi thế. Mặt khác, thúc đẩy hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư tại các thị trường mà Việt Nam đã hoặc sắp ký kết FTA như Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên bang Nga...

Riêng các doanh nghiệp phải chủ động nâng cao sức cạnh tranh để không chỉ giữ chỗ đứng tại thị trường nội địa mà còn tăng cường khả năng thâm nhập thị trường của các nước đối tác.

Ngoài ra, muốn vượt qua được rào cản tại các thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp phải có kế hoạch nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường đối tác, nhất là những nước áp dụng tiêu chuẩn cao với hàng nông - lâm - thủy sản như: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Tuy nhiên, trong thương mại quốc tế, các nước được phép áp dụng các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm dịch nhằm bảo vệ sức khỏe con người và môi trường miễn là không phân biệt đối xử giữa hàng hóa của nước này với nước khác, giữa hàng nhập khẩu với hàng nội địa. Vì vậy, nếu muốn áp dụng tiêu chuẩn cao với hàng nhập khẩu thì Việt Nam cũng phải áp dụng tương tự với hàng sản xuất trong nước.

Đáng lưu ý, các cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp đều phải nâng cao nhận thức về thương mại quốc tế và có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong các vụ kiện thương mại quốc tế để đấu tranh, giảm các rào cản đối với hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam trên các thị trường xuất khẩu.


Theo Bộ trưởng, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì để có thể đứng vững và phát triển trong hệ thống thương mại toàn cầu khi mà xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng?

Để đứng vững và phát triển trong điều kiện hiện nay, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về các quy định tại các diễn đàn thương mại đa phương và các hiệp định thương mại tự do để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là các ưu đãi thuế quan đối với những mặt hàng có thế mạnh hoặc tiềm năng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.

Theo tôi, các Hiệp định thương mại tự do sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh thông qua việc xây dựng, điều chỉnh kế hoạch giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng.

Hơn nữa, cần xây dựng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường. Đặc biệt, chủ động tìm hiểu thông tin, chuẩn bị tâm thế cạnh tranh khu vực và quốc tế với tư duy sáng tạo, đổi mới và sự nhạy bén trong kinh doanh. Hơn nữa, phải có kế hoạch xây dựng năng lực nhất là về thương hiệu, uy tín và chất lượng để làm ăn với quy mô và dài hạn trong tương lai.

Đáng lưu ý, khi xây dựng chiến lược xuất khẩu cần có kế hoạch chủ động phòng ngừa và xử lý khi vụ việc xảy ra. Vì thế, phải nâng cao nhận thức về nguy cơ bị khiếu kiện tại các thị trường xuất khẩu và cơ chế vận hành của từng loại tranh chấp, nhóm thị trường và loại mặt hàng thường bị kiện. Chú trọng hơn nữa việc tăng cường khai thác thị trường nội địa.

Ngoài ra, cần liên kết với các doanh nghiệp có cùng mặt hàng xuất khẩu để có chương trình, kế hoạch đối phó chung đối với các vụ kiện; sử dụng chuyên gia tư vấn và luật sư trong những tình huống cần thiết; giữ liên hệ với các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại để các cơ quan này bảo vệ quyền lợi tốt hơn cho doanh nghiệp.

Tất nhiên, bên cạnh sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp vẫn cần sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời giải quyết các khó khăn, cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn hết sức phức tạp hiện nay.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Uyên Hương/TTXVN (thực hiện)
Chuyên gia đánh giá tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tới Việt Nam
Chuyên gia đánh giá tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tới Việt Nam

Nhiều dự án Trung Quốc đáng lẽ sẽ đầu tư vào Mỹ, sẽ tìm cách đầu tư sang thị trường khác hoặc đầu tư trong nước. Có thể, họ thải các đời công nghệ cũ, dự án cũ sang các nước trong đó có Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN