Trước đó, các cổ đông của Boeing cáo buộc các thành viên hội đồng quản trị và một số giám đốc điều hành của hãng, trong đó có Giám đốc điều hành đương nhiệm David Calhoun, không đảm bảo hiệu quả hoạt động của các thiết bị thông tin và kiểm soát lắp đặt trên dòng máy bay 737 MAX.
Theo thỏa thuận dàn xếp, các công ty bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm chi trả khoản tiền bồi thường trên. Thỏa thuận cũng không yêu cầu Boeing phải thừa nhận sơ suất thay cho các bị cáo của vụ kiện. Bên cạnh đó, Boeing cũng nhất trí tuyển dụng một người làm vai trò trung gian để xử lý các vấn đề nội bộ và chỉ định một nhân vật có kinh nghiệm về an toàn hàng không làm đại diện cho Hội đồng quản trị. Thỏa thuận dự kiến được Tòa án Chancery của bang Delaware đệ trình trong ngày 5/11.
Các luật sư đại diện cho cổ đông và tập đoàn Boeing đều chưa đưa ra phản hồi về vấn đề này.
Dòng máy bay 737 MAX liên quan đến hai vụ tai nạn hàng không thảm khốc ở Indonesia năm 2018 và ở Ethiopia năm 2019 khiến tổng cộng 346 người thiệt mạng. Các cuộc điều tra cho thấy cả hai vụ tai nạn đều liên quan đến Hệ thống tăng cường tính năng điều khiển bay (MCAS) giúp phòng tránh tai nạn, vốn đã được lắp đặt trong một mẫu máy bay quân sự.
Căn cứ vào các tài liệu nội bộ, các cổ đông cho rằng quy trình kiểm tra đảm bảo an toàn đã không được thực hiện đối với dòng máy bay 737 MAX sau vụ tai nạn năm 2018, bất chấp việc những báo cáo truyền thông liên kết nguyên nhân các vụ tai nạn với hệ thống MCAS.
Dòng máy bay 737 MAX được phát triển vào năm 2011 và ra mắt vào năm 2017, từng bị cấm bay thương mại vào tháng 3/2019 sau hai vụ tai nạn hàng không trước khi được đánh giá an toàn kỹ thuật và dỡ bỏ lệnh cấm vào tháng 11/2020.