Thế nhưng, việc tiếp cận ngân hàng với các khoản vay tiêu dùng tín chấp trong giai đoạn này không phải dễ khi các ngân hàng đang phải đối mặt với rủi ro nợ xấu tăng cao. Lúc này, các tổ chức tài chính vi mô, công ty tài chính đóng vai trò rất quan trọng trong việc trợ giúp cho các đối tượng khó khăn trong xã hội được tiếp cận dịch vụ tài chính chính thống, tránh xa vòng quây của tín dụng đen.
Bài 1: Khoản vay nhỏ, lan tỏa lớn
Ngay khi các khu vực phong tỏa, cách ly bắt đầu “phủ sóng” thành phố thì công việc làm ăn càng trở nên khó khăn, cuộc sống của nhiều người dân càng thêm chật vật. Người lao động có nhà hay có chút tiền dành dụm thì lấy ra tiêu dần; người lao động ở tỉnh ngoài chi tiêu còn thêm gánh nặng tiền trọ hàng tháng. Những khoản vay nhỏ chỉ từ 4-10 triệu đồng với mức lãi suất thấp đã giúp họ vượt qua cơn nguy khốn này.
Tiếp sức từ những khoản vay nhỏ
Vợ chồng anh Trương Vĩnh Hòa, quê ở Đồng Tháp lên thành phố ở trọ tại khu vực xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh cùng làm cho doanh nghiệp tư nhân đã gần 3 năm nay. Đại dịch COVID-19 đã khiến doanh nghiệp này phải đóng cửa, cả hai vợ chồng anh Hòa bất đắc dĩ bị thất nghiệp kể từ cuối năm 2020.
Trước những khó khăn của gia đình, anh Hòa chuyển sang chạy xe ôm công nghệ. Mọi chi tiêu trong cuộc sống, kể cả nhà trọ đều trông vào đồng thu nhập hàng ngày của anh. Cuộc sống càng khó khăn hơn khi TP Hồ Chí Minh áp dụng giãn cách xã hội để chống dịch.
“Khó khăn chồng chất, vợ chồng tôi được nhiều người trong tổ cộng đồng khu trọ giới thiệu đến hoạt động của Tổ chức tài chính vi mô trách nhiệm hữu hạn một thành viên cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (CEP). Cũng may, hồ sơ nhanh chóng được giải quyết. Số tiền 4 triệu đồng này cũng giúp gia đình chống chọi thêm 2 tháng nữa, bởi chủ nhà vừa cho biết sẽ giảm 70% tiền trọ cho thuê”, anh Hòa vui mừng chia sẻ.
Cùng cảnh ngộ, gia đình chị Nguyễn Thị Út, quê ở Cà Mau lên làm công nhân tại Khu Chế xuất Tân Thuận hơn 7 năm nay cũng chật vật suốt cả mấy tháng vì doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động.
Chị Út cho biết, trong tháng đầu bùng phát dịch bệnh còn tiền hỗ trợ, tháng thứ hai phải dùng đến tiền dành dụm, cộng thêm phần gia đình từ quê gửi lên túi gạo, con cá, con cua... Từ tháng thứ ba đến nay, mọi chi phí đều ghi sổ, cuộc sống gia đình nhờ rất nhiều từ sự giúp đỡ của bà con lối xóm, chủ nhà trọ và từ các khoản hỗ trợ của cộng đồng…
“Chúng tôi đang tính về quê hay vay mượn để duy trì cuộc sống, thì được các đồng nghiệp cùng ở trọ giới thiệu đến CEP. Không ngờ chúng tôi lại được CEP cho vay với thủ tục nhanh gọn, lãi suất dành cho công nhân rất thấp và đặc biệt là không thu ngay trong tháng đầu tiên để hỗ trợ người lao động nghèo trong thời gian giãn cách xã hội”, chị Út nói.
Tương tự, vợ chồng anh Nguyễn Văn Đức, quê An Giang lên ở trọ tại phường 16, Quận 8 cùng làm công nhân Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Nhựa Chợ Lớn đã gần 4 năm nay. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến hoạt động của doanh nghiệp, vợ anh phải tạm ngừng việc gần năm nay.
Gần đây, vợ anh xin được việc làm thêm ở xưởng kẹo, nhưng dù rất cố gắng cũng chỉ đủ ăn. Đã thế, trong lúc khó khăn, cả chỗ làm lẫn chỗ ở đều bị phong tỏa khiến hơn nửa tháng nay, hai vợ chồng đều không có thu nhập, cả gia đình rơi vào hoàn khó khăn.
Anh Đức cho biết, mọi chi tiêu trong cuộc sống, kể cả nhà trọ và chăm lo mẹ già đang ốm nặng ngày càng eo hẹp, rồi đến giãn cách xã hội. Những ngày qua, cả gia đình sống nhờ vào sự giúp đỡ của xóm giềng và từ hỗ trợ của các mạnh thường quân.
“Cũng may, trong lúc khó khăn, chúng tôi được các anh chị bên CEP hỗ trợ. Thậm chí, họ còn đến khu vực ở trọ làm thủ tục, xác minh để nhanh chóng trao tiền vay. Khi được biết chương trình hỗ trợ vay lãi suất thấp và hoãn trả nợ trong tháng đầu tiên, chúng tôi thật sự rất vui mừng”, anh Đức cho biết.
Cùng người lao động vượt khó
Kiên định mục tiêu từ khi thành lập đến nay là phi lợi nhuận, hoạt động tín dụng vì người lao động với sứ mệnh giảm nghèo. Chính vì thế, ngay khi làn sóng dịch lần thứ 4 bùng phát, CEP đã liên tục đưa ra nhiều chương trình, gói sản phẩm cùng nhiều hoạt động hướng đến cộng đồng, người lao động nghèo, công nhân ở các khu trọ, tổ tự quản.
Ông Ngô Ngọc Tấn, Giám đốc Chi nhánh CEP Quận 8 cho biết, dịch bệnh bùng phát khiến nhiều người ngừng việc, mất việc, thu nhập giảm; thêm vào đó là những ngày giãn cách xã hội, giá cả lương thực, thực phẩm ngày càng đắt đỏ, cuộc sống người lao động nghèo chồng chất khó khăn. Chia sẻ với những khó khăn đó, CEP xây dựng nhiều mô hình đồng hành cùng người lao động; trong đó, có mô hình đến tận nhà cho vay, vay với lãi suất thất và hoãn trả nợ trong tháng đầu tiên để ưu tiên giải quyết những khó khăn trước mắt.
Mô hình này thực hiện đạt hiệu quả khá tốt tại một số khu nhà trọ ở Quận 8 và được đông đảo công nhân lao động đồng tình hưởng ứng. Đây được xem như một giải pháp tài chính vi mô khá hiệu quả trong thời điểm nhiều biến động bất lợi từ dịch bệnh khó lường, giúp người dân tránh xa các khoản nợ tín dụng đen.
Theo ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó Tổng Giám đốc CEP, ngay khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, CEP lập tức tái khởi động chương trình "CEP - Chia sẻ yêu thương 2021" nhằm hỗ trợ khách hàng CEP và đội ngũ tuyến đầu phòng chống dịch trong giai đoạn cách ly và giãn cách xã hội. Chương trình không chỉ thực hiện ngay việc giảm lãi suất cho vay đối với người lao động từ đầu tháng 4 mà còn được các nhân viên tín dụng thăm hỏi, chia sẻ, trao tặng những phần quà lương thực, thực phẩm; đồng thời, hướng dẫn các thủ tục giảm lãi suất cho người lao động.
Ngoài chương trình chia sẻ yêu thương, giảm lãi suất vay, các điểm tín dụng của CEP còn đang dạng giải pháp hỗ trợ công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn sống trong khu vực bị phong tỏa vay những khoản vay nhỏ với lãi suất thấp.
Đáng chú ý, những trường hợp gia đình có người chẳng may nhiễm COVID-19, thì mức lãi suất áp dụng chỉ còn 0,15%/tháng, thay vì mức 0,6% như trước đó; đồng thời, kéo dài thời gian ân hạn lên 3 tháng. Điều này phần nào giúp những người lao động, người dân có hoàn cảnh khó khăn kịp thời xoay sở, chăm lo cuộc sống gia đình trong khoảng thời gian nhất định của cách ly hay giãn cách xã hội.
Đánh giá cao hoạt động của CEP trong nhiều năm qua, nhất là trong giai đoạn cùng thành phố thực hiện cao điểm phòng, chống dịch bệnh, bà Nguyễn Thị Bạch Yến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp cho rằng, các mô hình, giải pháp của CEP đã kịp thời giải quyết những khó khăn trước mắt cho người lao động nghèo.
“Điểm mạnh của CEP là luôn đồng hành với tổ chức Công đoàn; nỗ lực triển khai nhanh và kịp thời các chương trình chăm lo hiệu quả và hỗ trợ trợ lâu dài cho người lao động. Các thành viên của CEP luôn nhiệt tình tham gia và hỗ trợ thiết thực cho công nhân và người lao động nghèo vượt qua khó”, bà Yến chia sẻ.
Dịch bệnh khiến cuộc sống của nhiều gia đình người lao động đảo lộn vì tạm ngừng việc, mất việc làm, thất nghiệp. Mọi công việc hầu hết bị gián đoạn làm giảm hoặc mất đi nguồn thu nhập khiến ai cũng lo lắng và đã có rất nhiều người lao động ở các tỉnh, thành phố đã trở về quê để sinh sống, tìm đồng ra đồng vào.
Theo bà Yến, việc chia sẻ của CEP đối với người lao động nghèo trong thời điểm khó khăn dịch bệnh như thế này đã góp phần không nhỏ trong việc đồng hành cùng chính quyền thành phố và các tỉnh thành lân cận trong việc phòng chống dịch bệnh; đồng thời giải quyết phần nào bài toán an sinh xã hội tại địa phương để sớm đưa mọi hoạt động trở lại trạng thái bình thường mới…
Bài cuối: Thúc đẩy dịch vụ tài chính bình dân