Ngành chức năng và chính quyền nơi xảy ra dịch đang dồn sức vào việc phòng, chống dịch nhằm bảo vệ đàn gia súc cũng như giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho các hộ nuôi.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi, tính tới thời điểm hiện tại, dịch lở mồm long móng mới xuất hiện tại 2 khu vực là huyện Tư Nghĩa (2 xã) và thị xã Đức Phổ (7 xã). Có 111 hộ dân có bò bị mắc bệnh với số lượng lên tới 289 con; trong đó 10 con bị chết.
Bà Võ Thị Cúc, xã Phổ Thuận, thị xã Đức Phổ cho hay, dịch xảy ra vào ngày vào ngày 15/2 (tức mùng 4 Tết Âm lịch). Từ 1 con ban đầu lan rộng ra cả đàn bò 5 con. Khi phát hiện, gia đình đã vệ sinh miệng bò bằng cách rửa muối, chà chanh, bôi thuốc xanh sát khuẩn nên triệu chứng bệnh đã thuyên giảm.
Trước tình hình đó, UBND xã Phổ Thuận đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai gấp rút các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bệnh tiếp tục lây lan, gây ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi của người dân.
Theo ông Nguyễn Quang Thống, Chủ tịch UBND xã Phổ Thuận, xã đã chỉ đạo lực lượng dân quân tự vệ, công an xã cùng một số đơn vị liên quan tổ chức phun thuốc sát khuẩn, tiêu độc khử trùng toàn bộ vùng có dịch cũng như hướng dẫn cặn kẽ cách thức phòng ngừa cho bà con nông dân. Có thể nói, nhờ làm tốt nên chỉ sau thời gian ngắn, dịch cơ bản được khống chế.
Ông Ngô Hữu Hạ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi thông tin, điều kiện thời tiết bất lợi, cộng với người dân còn thiếu ý thức trong việc chủ động tiêm phòng cho đàn gia súc (chủ yếu lấy lý do bò đang trong thời gian mang thai để trốn tránh) là những nguyên nhân chính khiến dịch bùng phát và lây lan mạnh.
Chi cục đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã có dịch triển khai thực hiện ngay các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cụ thể như khoanh vùng ổ dịch, khử trùng tiêu độc môi trường, giám sát chặt chẽ công tác giết mổ, mua bán, vận chuyển gia súc; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng trị, chăm sóc gia súc bị bệnh, tăng cường cung cấp thức ăn bổ sung để nâng cao sức chống đỡ bệnh tật. Đồng thời, Chi cục cũng lấy mẫu biểu mô lưỡi ở bò gửi Chi cục Thú y vùng 6 xét nghiệm tìm virus và định type virus lở mồm long móng.
"Trước Tết, Chi cục đã cấp phát 26 tấn hóa chất cho các địa phương và đề nghị xuất thêm khoảng 15 tấn hóa chất trong thời gian tới để thực hiện tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng trên địa bàn toàn tỉnh nhằm tiêu diệt mầm bệnh. Đến nay, có hơn 100/289 con bò mắc bệnh đã được chữa khỏi bệnh. Đó là điều đáng mừng và chắc chắn rằng dịch lở mồm long móng sẽ sớm được đẩy lùi'', ông Ngô Hữu Hạ khẳng định.