Tiềm năng cung cấp hàng nông sản xuất khẩu của tỉnh còn rất lớn, không chỉ đối với thị trường truyền thống mà còn xuất khẩu sang thị trường khó tính. Tuy nhiên, địa phương này cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức nhất là trước tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay.
Những tồn tại
Do đặc thù của tỉnh Hậu Giang là vùng chuyên canh nông nghiệp nên tỉnh này dễ bị tổn thương bởi tình hình biến đổi khí hậu. Vào mùa khô, hầu hết các huyện trong tỉnh đều bị mặn xâm nhập hay hạn hán gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Về lâu dài, tác động của biến đổi khí hậu lên sản xuất nông nghiệp của tỉnh như làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và chất lượng, cơ cầu nông nghiệp như cây trồng, vật nuôi có thể bị thay đổi, giảm đa dạng cây trồng.
Tình trạng xâm nhập mặn thường xảy ra ở vùng giáp ranh của Hậu Giang với hai tỉnh Bạc Liêu và Kiên Giang, đó là huyện Long Mỹ (các xã Lương Nghĩa, Lương Tâm, Xả Phiên, Vĩnh Viễn và Vĩnh Viễn A) và thành phố Vị Thanh (xã Hỏa Tiến và Tân Tiến).
Trong giai đoạn 2011 - 2016, xâm nhập mặn ngày càng lan rộng và độ mặn ngày càng tăng. Điển hình nhất là năm 2016, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã diễn ra hết sức phức tạp, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, thời gian kéo dài và duy trì ở nồng độ mặn cao từ 10-19,7 phần nghìn.
Cùng với đó, tình trạng nông dân của tỉnh sản xuất và bán nông sản thông qua thương lái vẫn phổ biến, giá cả thường không ổn định, chi phí sản xuất ngày càng tăng do thiếu sự liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp và hợp tác xã. Nhất là phần lớn nông dân của tỉnh chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, việc ứng dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất chưa đồng bộ.
Trong khi đó, nhiều hợp tác xã của tỉnh vẫn hạn chế về quy mô, chưa chú ý nhãn mác, bao bì sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Việc ký kết bao tiêu sản phẩm giữa nông dân và các doanh nghiệp, hợp tác xã còn hạn chế. Hầu hết doanh nghiệp khi đến Hậu Giang chưa chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu hoặc tạo dựng vùng nguyên liệu ổn định, chủ yếu giao cho thương lái thu gom, mua hàng…
Và đáng lo ngại là hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp của Hậu Giang còn chậm đổi mới, chưa tiếp cận sâu vào thị trường; hiệu quả hoạt động của đa số hợp tác xã nông nghiệp hiện nay còn thấp, quy mô hợp tác xã nhỏ, hợp tác xã chủ yếu hoạt động đơn ngành, chưa phát triển đa mục tiêu.
Từ đó dẫn đến nông sản của Hậu Giang được sản xuất thông qua liên kết sản xuất và tiêu thụ còn thấp; tỷ lệ sản phẩm được chứng nhận chất lượng, an toàn chưa cao. Đặc biệt, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển một số ngành hàng có lợi thế cạnh tranh của tỉnh chưa được đầu tư và phát huy đúng mức; hoạt động nghiên cứu và chuyển giao, ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào sản xuất chưa nhiều, hiệu quả chưa cao, sự tham gia của doanh nghiệp còn hạn chế.
Đổi mới tư duy
Đề án phát triển nông nghiệp bền vững gắn với ứng phó biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 xác định: Hậu Giang đổi mới về tư duy, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp dựa trên cơ sở tiếp cận thị trường, sản xuất hàng hóa lớn theo chuỗi giá trị, chú trọng chất lượng, mẫu mã, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Theo đó, tỉnh lấy hợp tác xã và doanh nghiệp làm trung tâm của sự phát triển, tập trung phát triển kinh tế hợp tác, chủ động, tích cực thích ứng và tận dụng tối đa cơ hội từ biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả, hợp lý tài nguyên thiên nhiên.
Tỉnh cũng xác định huy động nguồn lực tổng thể từ ngân sách nhà nước, đồng thời thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn để phát triển hình thức liên kết theo chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản.
Mục tiêu đến năm 2025 của tỉnh là xây dựng ngành nông nghiệp phát triển bền vững với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao, thông qua các mô hình hợp tác xã nông nghiệp từng bước hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, sơ chế và chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn trước thiên tai.
Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người ngày một cao, góp phần hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Cụ thể đến năm 2025, Hậu Giang xây dụng 15 mô hình hợp tác xã và 3 liên hiệp hợp tác xã được đầu tư đồng bộ về kết cầu hạ tầng và phát triển toàn diện, hoạt động hiệu quả. Cùng với đó, tỉnh xây dựng 1 mô hình cung ứng dịch vụ cơ giới hóa trong nông nghiệp và 3 trung tâm thu gom, phân loại, sơ chế, đóng gói và phân phối hàng nông sản.
Ngoài ra, tỉnh còn xây dựng thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, tối đa hóa việc tái tạo và tận dụng phế phẩm trong nông nghiệp để tạo thêm sản phẩm mới. Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh phấn đấu tốc độ tăng GRDP nông nghiệp đạt trên 3%/năm.
Đặc biệt, tỉnh Hậu Giang đề ra một số giải pháp chủ yếu như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hợp tác xã bằng việc đưa lao động trẻ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc tại hợp tác xã. Tỉnh xác định phát triển các ngành hàng nông sản chủ lực như đối với ngành hàng lúa gạo sẽ hình thành cơ cấu giống và tổ chức sản xuất giống hợp lý; sử dụng các giống lúa có khả năng thích úng tốt với những thay đổi của môi trường như khả năng chịu hạn, phèn, mặn cao; gia tăng tỷ trọng giống chất lượng cao và các loại giống đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Tỉnh cũng xác định bảo quản sau thu hoạch là khâu rất quan trọng vì nó ảnh hưởng tới chất lượng gạo. Vì vậy, các hợp tác xã sản xuất lúa hình thành các kho chứa, lò sấy đảm bảo yêu cầu kỹ thuật hoặc gắn kết với các doanh nghiệp chế biến gạo có đầu tư các công nghệ tiên tiến cho quá trình sấy và xay xát.
Nhất là trong việc xây dụng chuỗi giá trị, Hậu Giang xác định xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao hướng đến sản xuất hàng hóa quy mô lớn với chất lượng sản phẩm đồng nhất, tạo nền tảng cho việc xây dựng chuỗi giá trị.
Trong số đó, tỉnh tập trung xây dựng các vùng sản xuất an toàn dịch bệnh, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, tỉnh kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dụng nhà máy chế biến gạo xuất khẩu và doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi để giải quyết nguồn gạo cấp thấp dư thừa và phụ phẩm của lúa gạo.
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hậu Giang dự kiến phân bổ hơn 600 tỷ đồng để phát triển nông nghiệp bền vững gắn với ứng phó biến đổi khí hậu. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ là hơn 133 tỷ đồng, gồm vốn lồng ghép thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dụng nông thôn mới; chương trình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, nguồn kinh phí cấp bù giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi và ngân sách địa phương là gần 250 tỷ đồng gồm vốn đầu tư và phát triển; vốn của quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; vốn sự nghiệp. Cùng với đó còn có vốn ODA; vốn tư nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp...