Chủ động vượt khó
Nhiều năm qua, diện tích nuôi tôm của tỉnh Cà Mau luôn ổn định, năng suất, chất lượng tăng trưởng qua từng năm. Nghề nuôi tôm đã có những thay đổi nhanh chóng không chỉ từ việc tái cơ cấu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất mà còn do doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, đơn vị xây dựng các dự án mạnh dạn hợp tác với người dân, địa phương phát triển đa dạng loại hình nuôi đạt chứng nhận quốc tế...
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phan Hoàng Vũ cho biết, người nuôi thay đổi nhanh về cơ cấu sản xuất, ứng dụng công nghệ trong sản xuất góp phần tăng năng suất và sản lượng. Năm 2023, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 401.000 tấn; trong đó, sản lượng tôm nuôi đạt 233.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD. Trong số đó, năng suất nuôi trồng thủy sản ước đạt 1.300 kg/ha/năm (năng suất tôm nuôi bình quân ước đạt 832 kg/ha/năm). Cơ cấu nuôi tôm nước lợ của tỉnh duy trì 5 loại hình chính: nuôi công nghiệp (bán thâm canh, thâm canh, siêu thâm canh), quảng canh cải tiến, tôm - lúa, tôm - rừng và quảng canh kết hợp.
Loại hình nuôi tôm siêu thâm canh, nuôi tôm có chứng nhận đang được người nuôi ưa chuộng. Diện tích nuôi tôm siêu thâm canh hiện đạt khoảng 4.750 ha; diện tích nuôi tôm được chứng nhận, với các loại hình nuôi là tôm - lúa, tôm - rừng đạt khoảng 20.000 ha. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là mô hình đột phá, có triển vọng để phát triển trong tương lai giúp đạt mục tiêu về sản lượng và giá trị.
Xác định được tầm quan trọng của liên kết chuỗi, thời gian qua, Cà Mau không ngừng thúc đẩy mối liên kết chuỗi giá trị nhằm đưa ngành tôm phát triển theo hướng ổn định, bền vững. Từ năm 2018 đến nay, ngành nông nghiệp Cà Mau đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân xây dựng, hình thành vùng nuôi tôm được cấp chứng nhận hữu cơ, sinh thái (trong nước và quốc tế) với sự tham gia của 7 công ty chế biến, xuất khẩu thủy sản vào chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tôm với tổng diện tích hơn 23.000 ha/4.000 hộ; trong đó, vùng nuôi tôm rừng 22.600 ha, tôm lúa 565 ha. Sản lượng hàng năm đạt từ 8.000 - 10.000 tấn.
Các chuyên gia nhận định, để đạt được kết quả này, giải pháp khắc phục khó khăn, thức thách của ngành hàng tôm Cà Mau đã phát huy hiệu quả, nhất là việc thích ứng trước tác động của thị trường đang dần cải thiện rõ rệt. Sau khi tăng trưởng mạnh mẽ và bứt phá trong năm 2022 thì những tháng đầu năm 2023, do ảnh hưởng từ các cuộc xung đột trên thế giới, lạm phát tại các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu… đã khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, từ đó sức tiêu thụ hàng hóa giảm. Các thị trường chậm giải phóng hàng tồn kho khiến đơn hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh. Đồng thời, với sự phục hồi mạnh mẽ trong nuôi trồng, sản xuất tôm của một số nước (Ecuador, Ấn Độ, …) cũng khiến cho con tôm Việt Nam bị cạnh tranh nhiều hơn, nhất là giá.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Cà Mau Dương Vũ Nam thông tin, đơn hàng sụt giảm, chậm xoay vòng vốn, doanh nghiệp thiếu tài sản đảm bảo dẫn đến khó tiếp cận tín dụng. Hạn mức cho vay thấp nên doanh nghiệp khó chủ động về vốn để duy trì hoạt động kinh doanh; hạn mức tín dụng mỗi năm giảm dần theo giá trị tài sản khấu hao trong khi tài sản mới không có; chỉ có hàng tồn kho có thể thế chấp được nhưng ngân hàng lại không nhận thế chấp hàng tồn kho…
Để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vượt khó, UBND tỉnh Cà Mau đã thành lập Tổ Công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án trên địa bàn. Tỉnh tổ chức nhiều cuộc xúc tiến thương mại ngoài nước đối với mặt hàng tôm Cà Mau tại các thị trường trọng điểm. Qua đó, giúp doanh nghiệp có cơ hội tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, gặp gỡ, củng cố quan hệ với khách hàng cũ, tìm kiếm khách hàng mới để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ðặc biệt, Cà Mau đã tổ chức thành công sự kiện Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long 2023, từ đó tạo ra cú huých quan trọng thúc đẩy nâng cao uy tín, vị thế con tôm trên thị trường trong và ngoài nước.
Khát vọng nâng tầm ngành tôm Việt
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam ước đạt hơn 53 tỷ USD; trong đó xuất khẩu tôm khoảng 3,6 tỷ USD tại khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng tỉnh Cà Mau đã chiếm 28% của cả nước và tiếp tục duy trì ở mức 1 tỷ USD trong 3 năm liên tục. Ngành tôm Cà Mau đã khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới, xuất khẩu sang hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành nước cung cấp tôm lớn thứ 2 trên thế giới.
Ông Dương Vũ Nam thông tin, so sánh với các cường quốc xuất khẩu tôm khác, Cà Mau nói riêng và Việt Nam nói chung có lợi thế cạnh tranh lớn nhờ vào sản phẩm giá trị gia tăng. Sản phẩm này giúp cho Cà Mau nhiều năm giữ vững thị phần tại các thị trường như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc…
Hiện doanh nghiêp xuất khẩu của Cà Mau đang sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng từ các dòng tôm sú, thẻ, chì (tôm đất, tôm bạc, tôm chì biển) cùng một số sản phẩm phổ biến như: Tôm thịt tươi, hấp; tôm easy peel, shushi, Nobashi; tôm tẩm bột rất được ưa chuộng. Các sản phẩm chế biến sâu này đã từng bước khẳng định và nâng tầm giá trị tôm Cà Mau.
Tuy nhiên, ngành tôm Cà Mau vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chỉ rõ, quy hoạch phát triển ngành tôm còn nhiều bất cập, hạ tầng nuôi trồng thủy sản chưa đáp ứng được yêu cầu, dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào, chất lượng, giá cả giống, thức ăn, thuốc, các chế phẩm phục vụ cho nuôi trồng thủy sản không ổn định, cạnh tranh thiếu lành mạnh, khó kiểm soát...
Cùng đó, môi trường ngày càng suy thoái, ô nhiễm, dịch bệnh khó xử lý; cơ chế, chính sách thu hút đầu tư còn nhiều bất cập; người dân, doanh nghiệp thiếu vốn, khó tiếp cận tín dụng; tổ chức sản xuất theo liên kết chuỗi chậm phát triển, thiếu bền vững; các dịch vụ logistics còn hạn chế, chi phí cao,…nên khả năng cạnh tranh thấp; hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao, thiếu bền vững...
Giải pháp được tỉnh Cà Mau đưa ra là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và theo thứ tự ưu tiên để đảm bảo sử dụng hiệu quả nhất nguồn vốn; đa dạng hoá hình thức đầu tư và thu hút nguồn vốn từ nhiều thành phần kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp vào phát triển ngành tôm của tỉnh. Đưa khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao (tôm sinh thái, hữu cơ, có chứng nhận,...); giảm giá thành sản xuất để tăng khả năng cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm, hướng tới không sử dụng hóa chất, kháng sinh ở tất cả các phương thức nuôi và các khâu trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
“Áp dụng công nghệ mới, tiên tiến trên thế giới vào chế biến, bảo quản sản phẩm để nâng cao giá trị, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu; tận dụng hiệu quả phế phụ phẩm trong chế biến tôm để sản xuất các mặt hàng gia tăng, nâng cao giá trị sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái; tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết để tạo vùng nguyên liệu lớn, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm tôm Cà Mau”, ông Lê Văn Sử cho biết.
Cà Mau đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thiện và phát triển chuỗi liên kết ngành hàng tôm hiệu quả, bền vững; ứng dụng công nghệ cao cho các sản phẩm chủ lực theo quy mô lớn; xây dựng nhãn hiệu gắn với truy xuất nguồn gốc, tiến tới chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm của địa phương và các chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế khác.
Tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, từng bước giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của ngành hàng tôm; mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và thị trường xuất khẩu; gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể đến năm 2025, địa phương phấn đấu xây dựng mới từ 15 - 20 chuỗi liên kết trong nuôi tôm; sản lượng tôm được tiêu thụ thông qua liên kết đạt khoảng 5.000 tấn.
Trong định hướng phát triển, địa phương luôn hướng mục tiêu phát triển ngành tôm trở thành trung tâm lớn nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước với mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Cà Mau. Đồng thời, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái và mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.
“Với tinh thần và khát vọng mạnh mẽ sẽ mang hình ảnh con tôm vươn xa hơn nữa, Cà Mau tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo động lực cho ngành tôm phát triển bền vững trong tương lai, từng bước đưa địa phương trở thành trung tâm kinh tế biển của cả nước”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhấn mạnh.